11:08, 24/08/2014

Viện trợ phi chính phủ

Tại Khánh Hòa, những năm qua, viện trợ phi chính phủ đã góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, viện trợ phi chính phủ đã giải ngân xấp xỉ 12 tỷ đồng, chủ yếu thuộc ngành Y tế (chiếm 98% trên tổng giá trị giải ngân theo dự án).

Tại Khánh Hòa, những năm qua, viện trợ phi chính phủ (PCP) đã góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, viện trợ PCP đã giải ngân xấp xỉ 12 tỷ đồng, chủ yếu thuộc ngành Y tế (chiếm 98% trên tổng giá trị giải ngân theo dự án).


Theo Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, các chương trình, dự án triển khai của các tổ chức PCP thời gian qua phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội. Trong đó, y tế là ngành đóng góp chủ lực vốn viện trợ của các tổ chức PCP với các dự án về phòng, chống HIV/AIDS, sốt rét, suy dinh dưỡng, mua sắm trang thiết bị y tế, nước và sức khỏe... Các dự án về giáo dục tiếp tục hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đào tạo, dạy nghề... Lĩnh vực xã hội có các hoạt động như giúp người tàn tật hòa nhập cộng đồng, xây dựng sửa chữa nhà ở cho người nghèo, nuôi dưỡng giáo dục trẻ mồ côi... Những chương trình, dự án nói trên đã hỗ trợ thiết thực và cứu giúp nhiều bệnh nhân, cải thiện đáng kể tình hình sức khỏe của người nghèo trên địa bàn tỉnh, giúp nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến trường...


Đánh giá của các sở, ngành cho thấy, các tổ chức PCP hoạt động trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đúng quy định của cơ quan chức năng. Các chương trình, dự án được triển khai đúng tiến độ, nội dung cam kết.


Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị giải ngân viện trợ PCP 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh giảm mạnh (giảm khoảng 58%). Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do số lượng các tổ chức PCP giảm sút do chưa đáp ứng đủ điều kiện để đăng ký hoạt động theo quy định mới của Chính phủ. Bên cạnh đó, một số tổ chức PCP ngưng hoạt động do đã hoàn thành dự án, chương trình trong khi chưa có tổ chức PCP mới thay thế. Sự khủng hoảng kinh tế chưa được phục hồi cũng là nguyên nhân khiến việc huy động tài chính của các tổ chức PCP cho hoạt động từ thiện nhân đạo bị ảnh hưởng. Các thủ tục hành chính về tiếp nhận vốn tài trợ của các tổ chức PCP còn qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian, làm giảm sút sự nhiệt tình của một số tổ chức PCP trong việc hỗ trợ, giúp đỡ.


Để tăng cường công tác viện trợ PCP trên địa bàn tỉnh, từ nay đến cuối năm, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh sẽ đẩy mạnh một số hoạt động như: Hướng dẫn, giúp đỡ một số tổ chức PCP tiến hành các thủ tục đăng ký hoạt động tại Việt Nam; hợp tác triển khai một số dự án; tổ chức gặp mặt các tổ chức PCP hoạt động trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận; tăng cường kết hợp giữa công tác hòa bình, đoàn kết hữu nghị với công tác PCP. Bên cạnh đó, Liên hiệp kiến nghị UBND tỉnh sớm xem xét, ban hành Chương trình xúc tiến vận động viện trợ PCP giai đoạn 2013 - 2017 trên địa bàn tỉnh; quan tâm, tạo điều kiện đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác PCP; cấp thêm kinh phí cho công tác quan hệ và vận động viện trợ của các tổ chức PCP. Tuy nhiên, đối với công tác PCP, chỉ sự nỗ lực của địa phương chưa đủ. Mong muốn của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh là trong thời gian tới, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Công tác về các tổ chức PCP nước ngoài cần tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng tiếp nhận, quản lý các dự án, kỹ năng khai thác tìm kiếm các tổ chức PCP nước ngoài có năng lực, phát hiện các tổ chức PCP lợi dụng tôn giáo, dân chủ, nhân quyền; đồng thời quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị địa phương cập nhật thông tin về các tổ chức PCP đã được cấp phép, giới thiệu các đối tác có năng lực tài chính thực hiện các dự án của địa phương.


Được như vậy mới hy vọng hoạt động viện trợ PCP khởi sắc trở lại.


Ngọc Khánh