Cho tới nay, lời ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc điếu văn và công bố Di chúc trong lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn làm rung động hàng triệu triệu con tim loài người tiến bộ.
Cho tới nay, lời đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc điếu văn và công bố Di chúc trong lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn làm rung động hàng triệu triệu con tim loài người tiến bộ.
Vậy đã 45 năm. Những cánh chim bồ câu trắng tiễn biệt Người trên quảng trường Ba Đình lịch sử ngày nào đã mang muôn vàn tình yêu thương của Người đến với toàn Đảng, oàn quân, toàn dân ta. Vậy đã 45 năm. Những lời di huấn của Người trong Di chúc đã soi rọi cho bao lớp người tiếp nối trưởng thành, vững bước tới tương lai.
Trong Di chúc, Người viết: “Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Có lẽ, bởi chính vậy mà thay vì nói không biết mình còn sống bao nhiêu năm nữa, Người nói: “Nhưng mà ai đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?”. Cả đời Người, như lời thơ Tố Hữu, luôn canh cánh: “Nỗi đau dân nước nỗi năm châu/Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ…”. Chúng ta đã học tập ở Người được bao nhiêu, về tinh thần ấy?
Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Chúng ta đã học tập ở Người được bao nhiêu, theo tinh thần ấy?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy nguy cơ: “Có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng”. Thực tế đã cho chúng ta thấy sự cảnh báo ấy là chính xác đến nhường nào! Quyền lực, địa vị, tiền tài… đã khiến nhiều cán bộ, đảng viên sa ngã. Một phần do họ thiếu rèn luyện, tu dưỡng. Một phần do quản lý, giáo dục còn nhiều sơ hở. Chúng ta đã ngăn chặn được bao nhiêu, những nguy cơ mà Người hằng chỉ ra từ trước?
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”. Tình trạng trên không những gây bức xúc trong xã hội mà còn làm xói mòn lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”. Mà, cũng theo Người: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố”.
Cả nước đang hướng về kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mong sao, xuất phát từ tình cảm yêu kính và chân thành, mỗi hoạt động đều mang lại kết quả, ý nghĩa cụ thể, thiết thực.
PHONG NGUYÊN