Tham gia phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, 3 cháu bé không may đã không bao giờ còn được nói, được cười nữa. Nỗi đau ngập tràn, từ người thân, từ bác sĩ làm phẫu thuật, từ những người làm từ thiện… cho tới cả cộng đồng xã hội.
Tham gia phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, 3 cháu bé không may đã không bao giờ còn được nói, được cười nữa. Nỗi đau ngập tràn, từ người thân, từ bác sĩ làm phẫu thuật, từ những người làm từ thiện… cho tới cả cộng đồng xã hội.
Trước đây, cũng tại Bệnh viện Quân y 87, chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị hở hàm ếch do Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA) phối hợp với Bệnh viện Quân y 87 tổ chức đã hai lần phẫu thuật thành công cho hơn 80 cháu bị sứt môi, hở hàm ếch vào các năm 2009 và 2013. Nào ngờ, lần này…
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đã được Hội đồng chuyên môn ngành Y tế làm rõ. Song, ở đây, có một số vấn đề cần quan tâm, trong đó có việc quản lý, kiểm soát các hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, từ thiện - những trường hợp tương tự OSCA.
Như trên đã nói, OSCA đã thực hiện chương trình này từ nhiều năm nay. Nhưng, qua kiểm tra cho thấy, OSCA mới chỉ được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cấp giấy phép nghiên cứu khoa học công nghệ trên lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, phẫu thuật thẩm mỹ…, mà chưa hề có chứng chỉ hành nghề của ngành Y tế. Đến khi sự việc nghiêm trọng xảy ra, chiều 27-8, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, UBND quận Đống Đa, UBND phường Phương Mai làm rõ một số nội dung về thẩm quyền cấp phép hoạt động, chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của OSCA; việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đăng ký hành nghề của các cá nhân và giấy phép hoạt động của OSCA… Đủ thấy, những kẽ hở của OSCA đã tồn tại trong một thời gian khá dài. Từ đây, có một câu hỏi được đặt ra, như vậy, trên thực tế, liệu còn có bao nhiêu trường hợp đang diễn ra tương tự OSCA?
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các tổ chức từ thiện phi chính phủ đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giúp đỡ những trường hợp khó khăn, bệnh tật từng bước ổn định sức khỏe, cuộc sống. Những mái ấm tình thương, những chương trình mổ mắt từ thiện, chương trình mổ sứt môi, hở hàm ếch… đã nhen nhóm trong biết bao nhiêu em nhỏ một niềm tin cần thiết để lớn lên cho được thành Người. Những công đức ấy cần được tuyên dương. Để những tấm lòng nhân ái, những việc làm từ thiện, nhân đạo luôn được nâng niu, trân trọng. Từ đó, những mảnh đời khốn khó, bất hạnh có thêm nơi chốn nương nhờ.
Từ những kẽ hở ấy, có thể thấy, chúng ta cần xây dựng khung pháp lý thật chặt chẽ về công tác khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, từ thiện. Cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương có phương án hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết để các tổ chức từ thiện tuân thủ nghiêm pháp luật; phối hợp tốt với các ngành liên quan trong quá trình thực hiện, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra sự cố, tai nạn đáng tiếc.
PHONG NGUYÊN