08:08, 08/08/2014

Học làm ăn

Mấy ngày nay, thông tin Bình Định xuất khẩu cá ngừ đại dương bằng đường hàng không sang thị trường Nhật Bản khiến nhiều ngư dân ta nức lòng. Nhưng, ngay sao đó, lại rất đỗi… chạnh lòng.

Mấy ngày nay, thông tin Bình Định xuất khẩu cá ngừ đại dương bằng đường hàng không sang thị trường Nhật Bản khiến nhiều ngư dân ta nức lòng. Nhưng, ngay sao đó, lại rất đỗi… chạnh lòng.


Nức lòng, bởi chính những con cá ngừ mình đánh bắt hàng ngày, bình thường chất lượng thấp là vậy, nay tốt hẳn lên, được lên máy bay, đến tham gia các phiên chợ đấu giá cực kỳ khó tính ở thị trường Nhật Bản. Vì sao có được sự thay đổi kỳ diệu ấy? Điểm mấu chốt ở đây là ngư dân Bình Định được chuyển giao công nghệ, khai thác, xử lý, bảo quản theo cách mới của Nhật Bản.

Xin được nói thêm rằng, để có được kết quả ấy, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã rất công phu, quyết tâm trong câu chuyện “tầm sư học đạo”. Trước hết, Bình Định ký kết hợp tác với Hội Hữu nghị Nhật - Việt Sakai thực hiện thí điểm mô hình liên kết phát triển xuất khẩu khẩu cá ngừ đại dương theo chuỗi khai thác - xử lý, bảo quản - vận chuyển - thu mua, xuất khẩu. Bước tiếp theo, chỉ đạo một số ban ngành liên quan chuẩn bị nhân lực, phương tiện tham gia thực hiện; rồi cử người sang Nhật học tập nắm bắt công nghệ, cách làm; rồi cho ngư dân tập dượt cho quen với cách làm mới…

Cũng ngư trường ấy, cũng tài nguyên ấy, nhưng thay đổi công nghệ khai thác, chất lượng sản phẩm tăng lên một cách đáng kể. Trước nay, cá ngừ đánh bắt về bị nậu vựa vừa ép cấp cá vừa ép giá. Cá chất lượng vốn đã thấp rồi, bị ép xuống nữa. Còn giá thì có thời điểm cá ngừ chỉ trên 50.000  đồng/kg. Nay cá ngừ xuất khẩu bằng đường hàng không, giá trị tăng thêm rất nhiều.


Còn chạnh lòng, bởi nhìn lại, chất lượng cá ngừ của ta quá thấp. Cũng từng ấy tổn đi khơi, cũng từng ấy cá thu về, nhưng chất lượng thấp, giá trị thấp, dẫn tới thu nhập không bao nhiêu, thậm chí lỗ.


Trước kia, ngư dân ta câu cá ngừ theo lối câu vàng truyền thống, chất lượng vốn đã không cao. Thời gian gần đây, ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sử dụng phương thức câu cá bằng đèn cao áp, bắt chước cách làm của Trung Quốc. Theo những doanh nghiệp thu mua cá ngừ đại dương xuất khẩu, chất lượng cá ngừ đại dương đánh bắt bằng đèn cao áp thấp hơn rất nhiều so với cá được câu bằng phương pháp truyền thống. Do vậy, cá tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa, không thể xuất khẩu sang những thị trường khó tính ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Không chỉ vậy, kiểu đánh bắt này làm tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Ngành Nông nghiệp từng có cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của phương pháp câu đèn và khuyến cáo ngư dân không nên phát triển thêm cách làm này.


Nhu cầu cá ngừ đại dương chất lượng cao trên thế giới hiện đang ở mức cao. Có nghĩa là tiềm năng xuất khẩu cá ngừ đại dương của chúng ta là rất lớn. Tiềm năng nguồn lợi thủy sản, nguyên liệu cá ngừ đại dương của Khánh Hòa cũng rất lớn. Làm thế nào để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, đời sống ngư dân?


Câu chuyện cá ngừ đại dương ở Bình Định đi máy bay sang Nhật Bản hiện là một gợi ý mở.


PHONG NGUYÊN