11:08, 10/08/2014

Gỡ khó cho diêm dân

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sản xuất muối cả nước hiện ước đạt 14.189ha, trong đó Khánh Hòa 973ha, chiếm khoảng 6,5%. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên sản lượng muối trên địa bàn tỉnh đạt cao (tính đến hết tháng 6 đạt trên 38.500 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sản xuất muối cả nước hiện ước đạt 14.189ha, trong đó Khánh Hòa 973ha, chiếm khoảng 6,5%. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên sản lượng muối trên địa bàn tỉnh đạt cao (tính đến hết tháng 6 đạt trên 38.500 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, lợi nhuận từ muối mang lại cho diêm dân chưa cao.


Ngoài điệp khúc “được mùa rớt giá” vì nhiều lý do khác nhau, kết quả phân tích của Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh cho thấy, phương pháp sản xuất muối thủ công là nguyên nhân khiến hiệu quả sản xuất muối chưa cao. Năm 2013, chi phí giá thành thực tế để sản xuất ra 1 tấn muối thô bằng phương pháp sản xuất trên nền đất tại Hợp tác xã (HTX) 1-5 Ninh Diêm (Ninh Hòa) là hơn 600.000 đồng, năng suất khoảng 50 tấn/ha/vụ, lợi nhuận gần 7 triệu đồng/ha. Trong khi đó, chi phí giá thành sản xuất 1 tấn muối thô bằng phương pháp kết tinh muối trên bạt nhựa tại HTX Muối Ninh Thủy (Ninh Hòa) là hơn 700.000 đồng, năng suất khoảng 84 tấn/ha/vụ, lợi nhuận thực tế đạt hơn 24 triệu đồng/ha/vụ, gấp 3,5 lần phương pháp thủ công. Tính toán cũng cho thấy, trong 100 đồng doanh thu từ muối, HTX 1-5 Ninh Diêm chỉ tạo ra được 13,75 đồng lợi nhuận sau thuế, sau 1 vụ sản xuất. Con số này cho thấy hiệu quả sản xuất muối của HTX chưa cao.


Trước thực tế trên, việc đầu tư công nghệ sản xuất muối là vấn đề cấp thiết được đặt ra. Tại Hội nghị “Bàn giải pháp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ muối niên vụ 2014” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Nha Trang mới đây, các đại biểu đều cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất là phải thay đổi tập quán sản xuất của người làm muối, dùng các phương pháp sản xuất mới như kết tinh muối trên bạt thay cho nền đất để nâng cao chất lượng muối.


Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là diêm dân khó tiếp cận nguồn vốn để đầu tư công nghệ sản xuất muối, nguyên nhân là do thiếu tài sản thế chấp. Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, thời gian qua, tín dụng cho vay đầu tư phát triển sản xuất muối đối với HTX và hộ diêm dân còn hạn chế. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho vay đầu tư nghề muối hơn 55 tỷ đồng, trong đó chỉ có 1 hộ diêm dân được vay 150 triệu đồng, còn lại là các doanh nghiệp.


Để tháo gỡ khó khăn cho diêm dân, Chính phủ đã có Quyết định 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014). Hy vọng, chính sách này sẽ giúp các đối tượng HTX, diêm dân có điều kiện tiếp cận vốn vay, chuyển đổi công nghệ sản xuất, nâng cao thu nhập từ muối. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các ngành, địa phương chủ động xây dựng chính sách đối với các thành phần kinh tế tham gia sản xuất muối; quy hoạch lại vùng sản xuất muối công nghiệp; tổ chức sản xuất muối đúng diện tích quy hoạch... nhằm mục tiêu sản xuất muối đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp và tăng dần xuất khẩu; qua đó, góp phần thực hiện an sinh xã hội và thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong lĩnh vực diêm nghiệp.


Ngọc Khánh