11:07, 24/07/2014

Trí thức trẻ

Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V đã thông qua Nghị quyết về Đề án tăng cường trí thức trẻ về công tác tại các xã, giai đoạn 2014 - 2020.

Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V đã thông qua Nghị quyết về Đề án tăng cường trí thức trẻ về công tác tại các xã, giai đoạn 2014 - 2020.


Theo Đề án, ngay trong năm 2014 sẽ thực hiện xét tuyển 40 trí thức trẻ tăng cường cho các xã thuộc khu vực III vùng dân tộc và miền núi; xã thí điểm xây dựng nông thôn mới; xã thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; xã còn nhiều cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn. Những năm tiếp theo sẽ quyết định số lượng cụ thể trên cơ sở đánh giá thực tế kết quả thực hiện Đề án.


Có thể nói, đây là một bước tiến dài, đầy tính đột phá của tỉnh Khánh Hòa trên chặng đường đầu tư nguồn nhân lực cho cơ sở. Nói vậy là vì từ năm 2002, Khánh Hòa đã bắt đầu thực hiện chủ trương đưa sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về công tác tại tuyến xã. Xin được nói thêm rằng, trên phạm vi cả nước, mãi đến ngày 26-1-2011 Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo.


 Lúc Khánh Hòa thực hiện đưa trí thức trẻ về tuyến xã, phường, Nhà nước chưa có chủ trương; thực tế chưa có tiền lệ. Cho nên những câu chuyện về tiêu chuẩn lựa chọn; chế độ chính sách; quy định trách nhiệm, quyền lợi của trí thức trẻ… đều được xây dựng từ đầu. Buổi đầu, những người thực hiện chủ trương gặp nhiều khó khăn. Trí thức trẻ bỡ ngỡ với môi trường mới, với điều kiện làm việc mới. Cơ sở các xã, phường nhiều nơi lúng túng trước cách làm… chưa từng có như vậy.


Qua 10 năm thực hiện, tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận 332 hồ sơ; qua đó, có 197 người được tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và phân công về công tác ở các đơn vị cấp xã. Hiện nay, có 84 người đã qua thi tuyển và trúng tuyển công chức các cấp, các chức vụ cấp xã; có 20 trí thức trẻ đang công tác tại các địa phương, nhiều người đã đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo và hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình.


Có thể thấy, việc tăng cường lực lượng trí thức trẻ về cấp xã đã giải quyết việc làm cho một số lượng khá lớn sinh viên, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp xã. Năm 2002, đội ngũ cán bộ công chức xã còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học chỉ chiếm 3,3%; trung cấp15 %; còn lại là cấp 3 trở xuống. Đến cuối năm 2005, tỷ lệ cán bộ chuyên trách đạt chuẩn 32,77%; công chức chuyên môn đạt chuẩn 60,62%. Hết năm 2012, các tỷ lệ tương ứng là 61,66% và 90,95%...


Một trong những điều đáng lo nhất trong những ngày đầu thực hiện là các xã, phường không tạo điều kiện một cách tốt nhất cho trí thức trẻ tiếp cận công việc, phát huy năng lực. Thực tế cho thấy, qua một thời gian ngắn, trí thức trẻ đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, công việc, thể hiện được tinh thần trách nhiệm nên các địa phương đã mạnh dạn phân công công việc.


Đến nay, qua kinh nghiệm hơn 10 năm thực hiện, câu chuyện đưa trí thức trẻ về xã, phường ở Khánh Hòa đã nhiều thuận lợi. Đây là kết quả của một cách tư duy, cách làm mạnh dạn, đầy tinh thần trách nhiệm.


PHONG NGUYÊN