Ngày 7-7-2014, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, quy định một số chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với hoạt động đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác thủy sản. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2014.
Ngày 7-7-2014, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, quy định một số chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với hoạt động đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác thủy sản. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2014.
Cho tới nay, tuy chưa có thông tư hướng dẫn nhưng ngư dân đang rất quan tâm nội dung Nghị định 67. Bởi, Nghị định tạo rất nhiều thuận lợi cho ngư dân, đặc biệt trong câu chuyện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng, phát triển ngành nghề. Hầu hết bà con đang mong Nghị định 67 sớm đi vào cuộc sống.
Biết vậy, mong muốn vậy nhưng ngư dân chúng ta đang rất cần biết nhiều hơn, rõ hơn những nội dung của Nghị định 67. Chẳng hạn như làm thế nào để giúp ngư dân có định hướng đúng, vay vốn đúng mục đích, nhu cầu phát triển ngành nghề là một vấn đề hết sức quan trọng. Xác định đúng hướng sẽ hạn chế được tình trạng vay vốn nhưng làm ăn kém hiệu quả, không trả được vốn vay, lâm cảnh nợ nần. Chẳng hạn như ai được vay vốn, vay bao nhiêu, điều kiện ra sao… cũng là những vấn đề ngư dân cần nắm thật chắc, để có sự tính toán đầu tư phù hợp.
Phấn khởi, vui mừng với chủ trương lớn của Nhà nước, nhưng ngư dân hãy còn nhiều lo lắng, trăn trở trong việc xác định hướng phát triển loại tàu cá nào phù hợp với điều kiện sản xuất, tập quán, thói quen và kinh nghiệm của bà con.
Đại đa số ngư dân muốn có tàu vỏ sắt. Nhưng, vốn đầu tư đóng mới tàu vỏ sắt sẽ lớn hơn tàu vỏ gỗ rất nhiều. Thêm vào đó, ngư dân lâu nay quen dùng tàu vỏ gỗ, phương tiện thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, chuyển sang tàu vỏ sắt sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ, lúng túng. Chính vì vậy, ngay từ lúc này, việc định hướng cho ngư dân cũng như việc tổ chức tập huấn, đào tạo cho ngư dân, nhất là đối với đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng để sử dụng tàu vỏ sắt an toàn, hiệu quả là việc làm cần thiết, nên làm sớm.
Đó là về phía ngư dân. Về phía cơ quan chức năng, các tổ chức có liên quan trong thực hiện Nghị định 67 cần tiếp xúc thật nhiều với ngư dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để có định hướng cụ thể. Không chỉ vậy, trong câu chuyện này cần có sự gắn kết với cả các cơ sở đóng tàu, để ngư dân nắm thật chắc ưu điểm, nhược điểm từng loại tàu; và người đóng tàu cũng nắm chắc hơn yêu cầu của từng loại tàu cho từng ngành nghề khai thác, qua chính kinh nghiệm thực tế sản xuất của ngư dân.
Triển khai thực hiện một chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước như Nghị định 67 cần có sự chuẩn bị thật chu đáo. Bởi đây là chủ trương có tác động mạnh mẽ đến phát triển nghề cá xa bờ nói riêng, phát triển thủy sản nói chung; có ý nghĩa lớn không chỉ trong nâng cao đời sống ngư dân, cư dân ven biển mà cả trong góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
PHONG NGUYÊN