Nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (trải dài trên địa bàn 4 huyện: Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) có hệ sinh thái phong phú, đa dạng, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (trải dài trên địa bàn 4 huyện: Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) có hệ sinh thái phong phú, đa dạng, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Nơi đây hiện có 592 loài thực vật bậc cao, 255 loài động vật rừng. Trong đó có 41 loài thực vật và 59 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam như: thông hai lá dẹp, voọc chà vá chân đen, vượn bạc má… Bên cạnh đó, khu bảo tồn còn có nhiều loại dược liệu giá trị cao và nhiều loài đặc hữu mà các nhà khoa học rất quan tâm. Hơn thế, rừng Hòn Bà còn là nơi giữ vai trò phòng hộ quan trọng, giúp cân bằng sinh thái, môi trường.
Hiện nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà đang đối mặt với nhiều thách thức, tác động không tốt đối với môi trường.
Sự gia tăng dân số tại các khu vực xung quanh đã dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất khiến người dân buộc phải phá rừng làm nương rẫy. Theo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, hiện có khoảng 400ha nương rẫy, chủ yếu là của đồng bào dân tộc thiểu số, đang canh tác trong vùng đệm từ nhiều năm nay. Việc di dời các hộ dân này ra khỏi khu vực chưa thực sự hiệu quả vì bà con vốn sống theo lối du canh du cư, di dời chỗ này họ lại tiếp tục khai phá chỗ khác. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và săn bắn dộng vật hoang dã vẫn tồn tại. Trong khi đó, với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, Hòn Bà đã trở thành điểm đến của nhiều du khách. Mỗi năm, nơi đây đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch. Điều này, một phần nào đó cũng ảnh hưởng đến môi trường.
Để bảo vệ Hòn Bà, đầu năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Quyết định phê duyệt Kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà đến năm 2020. Đây là động thái tích cực của tỉnh, đồng thời cũng là cơ sở để cơ quan chức năng tiến hành các hoạt động bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên ở Hòn Bà. Theo đó, cơ quan chuyên môn sẽ chú trọng các biện pháp quản lý, bảo tồn, phát triển, sử dụng bền vững tài nguyên rừng ở Hòn Bà nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, đa dạng sinh học; tăng cường vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu nghiên cứu khoa học, đào tạo và du lịch sinh thái cũng như bảo tồn các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng nhiệt đới và các loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm hiện có; xây dựng trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; xây dựng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng…
Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp trên, một điều quan trọng là công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của người dân vào các hoạt động bảo tồn. Cần nâng cao nhận thức cho người dân, giúp họ hiểu rõ giá trị của khu bảo tồn đối với cuộc sống và lợi ích của chính họ. Có như vậy, họ mới chung tay cùng với chính quyền bảo vệ hệ sinh thái ở khu vực này.
Ngọc Khánh