09:07, 13/07/2014

Doanh nghiệp và TPP

Thông tin về việc Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thâm nhập thị trường quốc tế, khi mà thuế suất sẽ giảm xuống 0%.

Thông tin về việc Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN). Nhiều chuyên gia, DN cho rằng đây là cơ hội lớn để DN mở rộng sản xuất, thâm nhập thị trường quốc tế, khi mà thuế suất sẽ giảm xuống 0%. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các DN lại lo sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt khi nhiều thương hiệu lớn xâm nhập thị trường nội địa. Chính vì thế, không ít DN đã và đang tìm cách để giữ vững thị trường trong nước.


Lãnh đạo một DN chuyên sản xuất các mặt hàng gỗ cho biết, hơn 30 năm hoạt động, thị trường chính của DN vẫn là các nước châu Âu, Úc, Mỹ, Nhật Bản... Thời gian qua, tuy tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, nhưng hoạt động xuất khẩu của đơn vị vào các thị trường này vẫn ổn định. Những tháng đầu năm 2014, lượng đơn đặt hàng của DN tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trước thông tin về việc Việt Nam chuẩn bị tham gia TPP, lãnh đạo DN tỏ ra phấn khởi, bởi đây sẽ là cơ hội lớn để DN tiếp cận các thị trường mới, mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho công nhân. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc DN sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với các DN nước ngoài ở thị trường nội địa - một thị trường mà theo đánh giá của các chuyên gia là có sức mua rất lớn (khoảng 2 tỷ USD/năm) và đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các mặt hàng từ Trung Quốc, Đài Loan.


Bên cạnh ngành sản xuất gỗ, các DN sản xuất cà phê cũng đang đối mặt với nguy cơ thị phần trong nước bị thu hẹp khi Việt Nam gia nhập TPP. Hiện nay, cả nước có hàng ngàn nhãn hiệu cà phê khác nhau, nhưng ít DN tập trung vào khâu chế biến, hầu hết đều xuất thô nên giá trị gia tăng không cao. Trong khi đó, các chiến lược bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mở rộng phân phối của DN cà phê còn hạn chế.  Chính vì vậy, để giữ vững thị trường nội địa khi Việt Nam gia nhập TPP, những năm gần đây, DN đã đưa ra nhiều giải pháp như: mở rộng hệ thống bán lẻ trên toàn quốc với nhiều kênh phân phối khác nhau, đầu tư công nghệ chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong khi đó, ngành sản xuất gỗ lại kêu gọi các DN liên kết với nhau để đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng.


Thực tế, không chỉ ngành sản xuất gỗ và cà phê, mà với nhiều ngành hàng khác như dệt may, da giày, cao su, gạo, thủy sản... thị trường nội địa vẫn hết sức quan trọng và tiềm năng. Vấn đề là các DN phải biết cách khai thác và chiếm lĩnh thị phần. Theo các chuyên gia, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ là hướng đi đúng giúp các DN nâng cao sức cạnh tranh với các DN nước ngoài. Bên cạnh đó, các DN cần chủ động xây dựng thương hiệu, mở rộng hệ thống phân phối để đưa hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng.


Khánh Ngọc