Đã lâu, điệp khúc "được mùa, mất giá; được giá mất mùa" không còn xa lạ với nông dân ta, thậm chí đó là những câu chuyện thật đau lòng, khi sữa bò vắt ra không bán được, phải đem cho… heo uống, khi dưa hấu hái lên không bán được, phải cho… bò ăn.
Đã lâu, điệp khúc “được mùa, mất giá; được giá mất mùa” không còn xa lạ với nông dân ta, thậm chí đó là những câu chuyện thật đau lòng, khi sữa bò vắt ra không bán được, phải đem cho… heo uống, khi dưa hấu hái lên không bán được, phải cho… bò ăn.
Cuộc sống nông dân, do vậy, gặp nhiều khó khăn. Và từ những câu chuyện nói trên, thị trường hiện vẫn luôn là bài toán khó, không chỉ đối với nông dân mà cả các cơ quan quản lý nhà nước.
Lâu nay, nhiều mặt hàng nông sản của ta lấy thị trường Trung Quốc làm chính, trong đó có trái vải, trái xoài…
Mọi năm, đến mùa, trái vải của ta phần lớn được xuất đi Trung Quốc. Năm nay, chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố khác nhau, trái vải đổ vào các tỉnh phía Nam. Người dân phương Nam năm nay dùng trái vải nhiều hơn mọi năm. Theo con số thống kê, vừa qua, lượng trái vải tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh chỉ thấp hơn một chút so với lượng trái vải mọi năm được xuất đi Trung Quốc. Điều này cho thấy, thị trường nội địa của chúng ta có sức mạnh không kém mấy so với thị trường nước ngoài. Vấn đề chủ yếu là do chúng ta chưa tổ chức khai thác hết tiềm năng thị trường trong nước. Vừa qua, chính quyền, người dân TP. Hồ Chí Minh tỏ ra ưu ái hơn rất nhiều trong việc tiêu thụ trái vải là câu chuyện rất đáng cảm phục. Lâu nay, người phương Nam không quen dùng trái vải. Nay, làm vậy là để trái vải của ta không bị bắt chẹt từ phía nước ngoài.
Đây là bài học tuyệt vời về tinh thần dân tộc.
Chúng ta đều biết, huyện Cam Lâm là địa phương được đánh giá là “vựa xoài” của Khánh Hòa, của cả nước, với những giống xoài thơm ngon, bổ dưỡng, chất lượng được xếp hạng hạng bậc nhất cả nước. Có câu chuyện đáng lưu ý là từ cuối năm ngoái đến nay, trái xoài giống Úc được thu mua với giá rất cao. Nhiều nông dân đã chặt bỏ nhiều giống xoài khác, trong đó có nhiều giống chất lượng cao như xoài cát Hòa Lộc chẳng hạn để ghép xoài Úc. Thực tế này, chỉ khoảng vài năm nữa, sản lượng xoài Úc của Cam Lâm là rất lớn. Và, một câu hỏi được đặt ra: Giả sử lúc ấy xoài Úc không được thu mua giá cao nữa, thậm chí không mua nữa thì sao? Chưa có câu trả lời. Điều ấy có nghĩa là cuộc sống của hàng nghìn nông dân trồng xoài Úc ở Cam Lâm cũng chưa biết ra sao. Nhưng, có người lại bảo rằng, khi ấy, chúng ta lại phải khai thác tối đa tiềm lực thị trường trong nước, hoặc những thị trường khác ngoài Trung Quốc. Cả hai đều là hướng mở. Nhưng bắt đầu từ đâu, bắt đầu từ ai?
Câu chuyện tiêu thụ trái vải ở TP. Hồ Chí Minh là một gợi ý thú vị về việc phát huy tiềm năng thị trường trong nước. Còn đối với trái xoài Úc của Cam Lâm trong tương lai thì sao?
Vẫn là câu chuyện khai thác tiềm năng thị trường. Nhưng, nếu theo như câu chuyện tiêu thụ trái vải ở TP. Hồ Chí Minh, ý nghĩa còn vượt lên trên cả các yếu tố thị trường.
PHONG NGUYÊN