Ắt hẳn, trong mỗi người cầm bút, biển, đảo luôn là những câu chuyện thật nhiều cảm xúc, thật nhiều ý nghĩa.
Ắt hẳn, trong mỗi người cầm bút, biển, đảo luôn là những câu chuyện thật nhiều cảm xúc, thật nhiều ý nghĩa.
Có thể, đó là những hoài niệm xa lắc về những dấu chân xưa trên bờ cát. Người cũ đã xa. Mà sóng cứ vỗ về hoài hình bóng ai kia trong những chiều vàng quạnh vắng.
Có thể, đó là những chuyến đi biển cùng ngư dân. Biển động, say sóng nôn ra mật xanh, mật vàng mà cứ cố chụp cho được mấy tấm hình kéo cá. Ngư dân mình vất vả. Nỗi lo toan trĩu nặng trên đôi vai nắng, gió. Nhưng, tình người, tình biển là khôn cùng. Người nặng lòng với biển. Biển bao dung cùng người. Và, ra khơi, ai cũng bồi hồi xúc động khi gặp những đoàn tàu đánh cá phấp phới cờ đỏ sao vàng.
Có thể, đó là những chuyến ra quần đảo Trường Sa. Có ai đó nói rằng, làm báo mà chưa đi Trường Sa là một một thiệt thòi lớn. Ấn tượng lần đầu ra với Trường Sa là không thể quên. Rồi sau đó, cứ mỗi lần ra là một cảm xúc khác nhau. Trường Sa là vậy. Bình dị. Mà phi thường. Như tiếng chuông chùa cứ thư thả ngân nga giữa trùng dương bão táp. Cho nên, mặc dù đã đi rất nhiều lần, trong nhiều người cầm bút, được đi Trường Sa vẫn luôn là một khát khao, mong ước.
Có thể, đó là những lần trở về từ biển. Từ tàu bước lên bờ, mặt đất chao đảo như thuyền trên sóng. Người ta gọi đó là say đất, say bờ. Cố bước cho vững. Mà nghe dồn lên bao nhiêu cảm xúc của một chuyến đi biển; mà nhớ lấy những tâm tư, tình cảm của ngư dân, của những người hằng sống cùng biển.
Những ngày này, anh em báo chí cùng các lực lượng chức năng, ngư dân ta kiên cường bám biển, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những hình ảnh, những thông tin từ “tọa độ nóng” được liên tục đưa về.
Nhớ lời Bác Hồ dạy, báo chí là một mặt trận, nhà báo là chiến sĩ. Chiến sĩ cho nên cứ tiên phong. Tác phẩm của nhà báo - chiến sĩ ở đây là những bản cáo trạng đanh thép, tố cáo tội ác của kẻ xâm lấn, như hình ảnh xác thực về con tàu DNA 90152 TS của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm chẳng hạn. Tác phẩm của nhà báo - chiến sĩ ở đây là những bản anh hùng ca về tinh thần bất khuất của quân dân ta, như hình ảnh sinh động chiến sĩ đồng bào ta vẫn bình tĩnh, mưu trí trước những chiêu trò xảo quyệt, hung hãn của kẻ ôm mộng bá quyền. Và, hạnh phúc lớn nhất của nhà báo - chiến sĩ ấy là tình cảm, là niềm tin, là ý chí, là tình yêu Tổ quốc của các tầng lớp nhân dân được khơi gợi, được vun bồi thêm lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Viết về biển, đã có bao nhiêu ý tứ thú vị như sóng và thuyền. Với Xuân Quỳnh, biển nhớ thuyền đến bạc đầu; còn xa biển, lòng thuyền đau đến rạn vỡ. Thật đến nao lòng. Mà khái quát cũng đến vô cùng. Bên dưới những con thuyền ấy, bên dưới những lớp sóng ấy là những lớp trầm tích lặng lẽ, và bí ẩn. Biển Việt Nam, tự bao đời nay, đã ôm trọn bao nhiêu người con anh dũng bỏ mình trong công cuộc xây dựng và gìn giữ khơi xa. Mồ hôi, xương máu người Việt Nam, từ những người con theo cha ra biển tới nay đã hóa trầm tích. Từ lòng biển mẹ Việt Nam, hồn thiêng sông núi đã hun kết.
Và, hôm nay, xin được thành kính dâng một vòng hoa ra biển, bày tỏ tấc lòng tri ân chân thành đối với những người con đất nước đã vĩnh hằng cùng biển Mẹ, cho niềm tin non nước yên bình cứ vững bền, mãi mãi.
PHONG NGUYÊN