Sáng 12-6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường về công tác truy tố xét xử, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ mối băn khoăn về việc thu hồi tài sản của Nhà nước qua các vụ án tham nhũng. Không chỉ vậy, câu chuyện minh bạch, công khai tài sản của cán bộ, công chức cũng được đông đảo cử tri quan tâm.
Sáng 12-6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường về công tác truy tố xét xử, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ mối băn khoăn về việc thu hồi tài sản của Nhà nước qua các vụ án tham nhũng. Không chỉ vậy, câu chuyện minh bạch, công khai tài sản của cán bộ, công chức cũng được đông đảo cử tri quan tâm.
Đơn cử như việc thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng thiệt hại trong vụ án sai phạm tại Vinashin gặp rất nhiều khó khăn. 1.000 tỷ đồng là khoản thiệt hại mà Tòa án đã tuyên buộc các bị cáo nguyên là lãnh đạo của Vinashin phải bồi thường do hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.
Một trong những trở ngại trong việc thu hồi là theo quy định của pháp luật thi hành án, việc bồi thường phải được Vinashin yêu cầu. Song, doanh nghiệp bị thiệt hại lại rất chậm trễ trong việc yêu cầu bồi thường, bởi... ngại đòi nợ “sếp cũ” của mình. Tuy Tòa án đã tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường, việc thi hành án vẫn rất khó khăn. Tiền của Nhà nước, do đó, không được thu hồi theo quy định. Có lẽ, cần có quy định chặt chẽ hơn để tránh tình trạng này.
Cũng trong phiên chất vấn này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường có gợi ý: Có thể bổ sung tội làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được nguồn nào mà có được tài sản đó cũng bị truy tố.
Nhiều cử tri băn khoăn: Điều quan trọng là “tài sản đó” là những gì; ai có thể biết được “tài sản đó” có bao nhiêu, hiện đang ở đâu, dưới dạng nào?
Minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn đã được luật hóa và có hiệu lực gần 15 năm nay, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước; tạo cơ sở pháp lý về phòng, chống tham nhũng. Nhưng, cử tri vẫn cứ giật mình trước khối tài sản hiện có của bị cáo Dương Chí Dũng, tiền của ở đâu mà nhiều đến vậy?
Bộ Chính trị, trong Chỉ thị số 33 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản có nêu: Thời gian qua, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế…
Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2012 quy định phải công khai bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai tại nơi người đó công tác; người kê khai phải có nghĩa vụ giải trình về giá trị tài sản tăng thêm hàng năm và đặc biệt là quy định thẩm tra xác minh tính chính xác trong bản kê khai của cơ quan có thẩm quyền đối với các bản kê khai… Thực tế, đã có bao nhiêu trường hợp công khai và giải trình như vậy?
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, việc kiểm tra tính chính xác của các bản kê khai tài sản là vô cùng quan trọng. Để làm được điều ấy, phải phát huy được vị trí, vai trò giám sát của nhân dân, trong đó có báo chí.
Nói vậy, để thấy rằng, khi công tác kê khai tài sản chưa được minh bạch, công khai đúng mức, việc xác định tội “làm giàu bất chính” để truy tố là không hề dễ dàng, nếu không nói là khó có thể.
PHONG NGUYÊN