10:06, 08/06/2014

Chuyện ở phòng khám

"Lần sau tôi sẽ không đi khám bảo hiểm y tế nữa", chị T. - một viên chức Nhà nước tâm sự như vậy sau một lần đi khám bệnh bảo hiểm y tế ở một cơ sở y tế trên địa bàn TP. Nha Trang.

“Lần sau tôi sẽ không đi khám bảo hiểm y tế (BHYT) nữa”, chị T. - một viên chức Nhà nước tâm sự như vậy sau một lần đi khám bệnh BHYT ở một cơ sở y tế trên địa bàn TP. Nha Trang.


Hỏi chuyện, chị T. thở dài: “Từ trước đến nay, tôi đã bao giờ đi khám BHYT đâu. Biết thế này thà tôi nằm nhà cho khỏe, đến khám vừa bực vừa không chất lượng, lại mất thời gian”. Trước đó, chị T. đã nằm điều trị 3 ngày tại bệnh viện vì chứng rối loạn tiền đình. Khi ra viện, bác sĩ (BS) hẹn chị tuần sau tái khám. Đúng ngày, chị T. có mặt ở phòng khám của bệnh viện, nhưng sau khi tiếp nhận thẻ BHYT của chị, cô nhân viên nhất quyết không cho chị khám vì thẻ BHYT của chị ghi nhầm giới tính là nam (mặc dù tên của chị có lót chữ thị). Cô ta yêu cầu chị đến cơ quan Bảo hiểm xã hội điều chỉnh lại giới tính rồi hãy đến khám. Chị T. đưa giấy chứng minh nhân dân (cũng có chữ thị trong tên và ảnh để chứng minh chị đúng là người có tên trên thẻ BHYT), nhưng cô ta vẫn không chấp nhận. Sau một hồi thuyết phục không được, chị T. sang phòng của nhân viên BHYT để... trình bày. Chỉ đến khi nhân viên BHYT ghi rõ vào sổ khám bệnh của chị là trường hợp này BHXH ghi nhầm giới tính, đề nghị cho khám thì việc của chị T. mới được giải quyết.


Mệt mỏi ở nơi tiếp nhận, nhưng đến khi vào khám, chị T. lại thêm thất vọng. Cô BS phòng khám nhìn chị một cách thờ ơ rồi hỏi “Chị bệnh gì?”, chị T. trình bày chị mới bị rối loạn tiền đình, BS hẹn hôm nay tái khám. Cô BS bảo chị đưa toa thuốc lần trước xem rồi phán: “Vậy chị uống thêm mấy ngày thuốc nữa nhé”, sau đó cô ta ghi cho chị một toa thuốc giống hệt toa cũ. Chị T. bức xúc: “Khám như thế cũng như không. Tôi đã mệt rồi, vào đây lại chuốc thêm sự bực mình”.


Chưa hết, sau chị T. có một bác lớn tuổi. Bác này sau khi khám xong vẫn tỏ vẻ băn khoăn vì “khi khám BS không nói gì cả nên rốt cuộc tôi chẳng biết mình bị bệnh gì”. Xem toa thuốc và đối chiếu với các loại thuốc của bác này, chị T. nhận xét: “Chữ BS xấu kinh khủng, tôi đọc mà không biết BS viết gì thì làm sao bác ấy đọc được. Đi khám bệnh mà không biết mình bị bệnh gì, toa thuốc cũng không đọc được thì làm sao bác ấy uống thuốc cho đúng?”.


Những câu chuyện trên thực ra rất nhỏ, nhưng hàng ngày nó vẫn xảy ra quanh chúng ta, khiến người dân cảm thấy... chán nản khi khám bệnh BHYT. Tuy ngành Y tế đã nỗ lực để cải thiện tình hình, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT nhằm thu hút người dân tham gia BHYT, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, nhưng xem ra việc thực hiện không đơn giản.


Ngọc Khánh