10:05, 25/05/2014

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt được những kết quả khả quan, trong đó có hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Những năm qua, công tác đào tạo nghề (ĐTN) và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt được những kết quả khả quan, trong đó có hoạt động ĐTN cho lao động nông thôn. Hơn 3 năm qua, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng, Đề án ĐTN cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã dạy nghề cho 10.000 người, hơn 75% số người học có việc làm. Những ngành nghề được đào tạo phù hợp với đặc thù vùng nông thôn trong tỉnh như: nuôi gà thả vườn, nuôi cá, may công nghiệp, mộc, hàn, nấu ăn, trồng hoa, chăm sóc cây cảnh...


Nét nổi bật trong hoạt động ĐTN trên địa bàn tỉnh là các cơ sở dạy nghề đã từng bước liên kết được với doanh nghiệp (DN) và các làng nghề truyền thống. Nhờ đó, sau đào tạo, nhiều lao động đã tìm được việc làm phù hợp tại các DN, địa phương. Để nâng cao chất lượng ĐTN ở các cơ sở dạy nghề công lập, thời gian qua, tỉnh đã cấp kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu dạy và học nghề. Bước đầu, công tác ĐTN đã có những tín hiệu lạc quan; người học nghề đã tiếp cận được kiến thức chuyên môn, nâng cao cơ hội làm việc tại DN. Đối với ĐTN cho lao động nông thôn, ở một số nơi, hoạt động dạy nghề đã góp phần hình thành mô hình sản xuất mới; có nhiều người sau học nghề đã trở thành chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, biết cách làm sao để giảm chi phí trong sản xuất, tăng năng suất lao động… Đến thời điểm này, một tín hiệu đáng mừng là chỉ số sử dụng lao động trong ngành công nghiệp (ngành chiếm tỷ trọng lớn, thu hút nhiều lao động) đã tăng hơn 4,3% so với cùng kỳ năm 2013. Vì vậy, ngành lao động đang kỳ vọng hoàn thành kế hoạch năm 2014.


Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, công tác ĐTN và giải quyết việc làm hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, bởi kinh tế trong nước vẫn chậm phục hồi chậm, nhiều DN phải cầm cự để hoạt động. Do đó, bên cạnh những người được ĐTN, có việc làm thì số lượng lao động mất việc làm, thất nghiệp vẫn còn xảy ra. Chỉ tính riêng năm 2013 đã có hơn 740 người đến cơ quan chức năng đăng ký thất nghiệp…Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để công tác ĐTN và giải quyết việc làm mang tính bền vững thể hiện qua số lao động có việc làm ngày càng tăng, số người thất nghiệp phải giảm mạnh.


Để tiếp tục giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động, tỉnh phấn đấu trong năm 2014 sẽ tạo việc làm mới cho 26.000 lao động; tỷ lệ lao động được ĐTN đạt 45%. Muốn đạt mục tiêu này, đòi hỏi có sự quan tâm từ các cơ quan chức năng, cộng đồng DN; đồng thời cần sự nỗ lực của chính bản thân người lao động. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo phải tổ chức dạy những ngành nghề DN cần chứ không phải đào tạo theo những gì mình đang có. Làm được như vậy, nguồn lao động sau đào tạo sẽ được các DN rộng cửa tuyển dụng mà không phải e ngại phải tốn thời gian đào tạo lại.


ĐẠI HẢI