Cách đây gần 1 năm, lễ hội Tháp bà Ponagar được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tồn tại gắn liền với quần thể di tích Tháp bà Ponagar đã tồn tại gần 1.200 năm và được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1979.
Cách đây gần 1 năm, lễ hội Tháp bà Ponagar được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tồn tại gắn liền với quần thể di tích Tháp bà Ponagar đã tồn tại gần 1.200 năm và được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1979.
Mới đây, lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa đón nhận bằng DSVHPVT quốc gia. Bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải - tập tục lâu đời của cư dân vùng biển từ Bắc miền Trung trở vào Nam, lễ hội Đa sắc màu.
Cầu ngư bảo lưu các nghi thức truyền thống; trao truyền các hình thức nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian, các trò chơi dân gian tạo thành một bức tranh sinh động, đa sắc của ngày hội làng biển.
Rồi lễ Bỏ mả của người Raglai, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn cũng được trao Bằng công nhận DSPVTCQG. Là nghi lễ tiêu biểu nhất của người Raglai, thường được tổ chức vào tháng 3 - 4 hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Lễ Bỏ mả mang hai ý nghĩa chính: Đối với cá nhân, gia đình, đây là lễ đưa người mất về với tổ tiên ông bà, thể hiện lòng tôn kính của người ở lại; đối với làng xã, đây là lễ hội tượng trưng, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc.
Được công nhận là DSPVTCQG, mỗi lễ hội đã khẳng định vị thế của mình trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng dân cư. Cầu cho quốc thái dân an, muôn nhà hạnh phúc; cầu cho biển lặng sóng yên, tôm cá đầy khoang; cầu cho người thân an lạc trong một cuộc sống mới, ở một thế giới mới…, tất cả đều đầy ắp tính nhân văn. Khách đến Khánh Hòa được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, với những nét văn hóa lễ hội đa dạng và phong phú. Chính sự đa dạng, phong phú ấy đã làm nên một bản sắc văn hóa đặc thù, nhiều màu sắc của Khánh Hòa, không lẫn lộn vào đâu được.
Có thể thấy, những lễ hội trên mảnh đất Khánh Hòa tạo được muôn vẻ đẹp trong đời sống văn hóa, tâm linh người dân từ đồng bằng cho tới vùng duyên hải và miền núi. Và, từ những lễ hội ấy, những nghi lễ trang nghiêm, những diễn xướng vui nhộn cũng như những gửi gắm tới chốn cao xanh ước vọng về cuộc sống an lành… đã phần nào nâng cao tầm sống của người dân, theo hướng Chân, Thiện, Mỹ.
Được công nhận là DSPVTCQG, mỗi lễ hội cần có một định hướng riêng trong lưu truyền, phát triển. Bên cạnh sự cố gắng của các ngành chức năng là sự đồng sức đồng lòng của cộng đồng dân cư, những người trực tiếp làm nên lễ hội. Không ai gìn giữ tốt nhất lễ hội Cầu ngư bằng những ngư dân. Không ai gìn giữ tốt nhất lễ Bỏ mả bẳng cộng đồng người Raglai.
Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm bảo tồn và phát huy có hiệu quả các DSPVTCQG là điều cần thiết. Và, song song đó, phải làm cho từng thành viên trong cộng đồng dân cư nhận thức được lễ hội ấy là của chính mình, và chính mình chứ không phải ai khác, có trách nhiệm làm nên sự thành công của những lễ hội ấy.
PHONG NGUYÊN