11:03, 06/03/2014

Sắp xếp lại

Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) thông qua Nghị quyết số 09 ngày 9-2-2007 "Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020". Theo đó, đến năm 2020, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; .......

Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) thông qua Nghị quyết số 09 ngày 9-2-2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Theo đó, đến năm 2020, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.


Thực tế hiện nay cho thấy, để thực hiện tốt định hướng ấy, chỉ riêng trên lĩnh vực khai thác thủy sản (KTTS), đang có nhiều việc rất cấp bách phải làm, làm sớm; chẳng hạn như đầu tư phát triển phương tiện,  công nghệ, thiết bị trong đánh bắt, bảo quản, chế biến; nghiên cứu ngư trường; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu ứng dụng những mô hình sản xuất tiên tiến; sắp sếp lại sản xuất… Bởi, mục tiêu, yêu cầu đặt ra rất lớn, mà thời gian từ nay đến năm 2020 không còn nhiều.


Có thể thấy, tàu thuyền đánh bắt của ngư dân ta còn rất nhỏ so với yêu cầu vươn khơi; công nghệ bảo quản kém, chất lượng sản phẩm thấp, thu nhập không ổn định khiến đời sống ngư dân khó khăn. Và, do khó khăn, ngư dân không có điều kiện đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất. Đây là một vòng tròn luẩn quẩn, khó tháo gỡ, nếu không kịp thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp.


Hiện chúng ta đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, nhưng vẫn còn nhiều chính sách không phù hợp, khó thực hiện. Đơn cử như chính sách hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới tàu cá; thay máy mới tàu cá theo Quyết định số 289/QĐ-TTg. Mức hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu; các yêu cầu, điều kiện được hưởng hỗ trợ có nhiều bất cập, khó thực hiện… là những nguyên nhân chính khiến trong suốt cả một thời gian dài thực hiện Quyết định 289, cả nước chỉ  hỗ trợ đóng mới được 23 tàu cá công suất trên 90CV; thay máy mới cho 130 tàu cá công suất trên 40CV.


Thiếu lao động, nhiều con tàu phải nằm bờ. Do thu nhập từ nghề đi biển quá thấp, lại bấp bênh, “bạn” đi biển buộc phải chuyển làm công việc khác để kiếm sống. Không chỉ vậy, họ cũng không muốn cho con em mình đi biển nữa, chuyển làm việc khác để không phải vất vả như thế hệ của mình. Nguồn nhân lực đi biển, do đó, đang là bài toán cực kỳ hóc búa.


Vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc với các tỉnh Bình Định và Phú Yên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo các địa phương sớm tiến hành khảo sát, thống kê tình trạng thực tế tàu thuyền đánh bắt để có cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp, tạo thêm sức mạnh cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Đây là điều rất đáng mừng,


Cùng với nhiều địa phương khác, Khánh Hòa đang triển khai xây dựng Đề án tổ chức lại sản xuất trong KTTS giai đoạn 2014 - 2020, với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương. Đây là một việc làm có ý nghĩa quan trọng. Khánh Hòa hiện có gần 10.000 phương tiện đánh bắt, với khoảng 50.000 người tham gia KTTS trên biển. Nghĩa là có ít nhất 50.000 gia đình liên quan đến công việc KTTS. Cho nên, việc tổ chức, sắp xếp lại hoạt động KTTS không chỉ có ý nghĩa nâng cao hiệu quả kinh tế biển lại mà còn góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; bảo vệ biên giới quốc gia.


Địa bàn Khánh Hòa có ngư trường Trường Sa rộng lớn, tài nguyên dồi dào và vị trí chiến lược quan trọng. Ngư dân đánh bắt xa bờ cần được coi là một lực lượng lao động đặc biệt, vừa sản xuất, vừa tham gia giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc. Chính vì vậy, khi xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân cần bám thật chắc vào đặc điểm này.


PHONG NGUYÊN