Chuyện phá rừng ở 2 huyện miền núi không có gì mới. Đó là chuyện kéo dài từ năm này qua năm khác. Có mới chăng là thời gian gần đây, tình hình phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép ngày càng tăng, đặc biệt là ở xã Khánh Thượng, Khánh Vĩnh.
Chuyện phá rừng ở 2 huyện miền núi không có gì mới. Đó là chuyện kéo dài từ năm này qua năm khác. Có mới chăng là thời gian gần đây, tình hình phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép ngày càng tăng, đặc biệt là ở xã Khánh Thượng, Khánh Vĩnh.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh, 2 tháng đầu năm 2014, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 28 vụ vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn huyện, thu giữ hơn 40m3 gỗ xẻ hộp. Số này theo Hạt Kiểm lâm là thành tích vì so với cùng kỳ năm trước đã giảm được rất nhiều vụ (!)
Ai cũng biết gỗ từ Khánh Thượng về xuôi chỉ có 2 con đường: đường bộ và đường sông. Điều đáng nói, dù có là đường nào thì cũng đi qua đoạn cầu Sông Cái, gần trụ sở UBND xã Khánh Thượng. Người dân địa phương biết rất rõ điều này, chỉ có cơ quan chức năng là... không rõ, nên không lập điểm chốt chặn ở đây!
Vì sao tình trạng phá rừng ở Khánh Vĩnh ngày càng phức tạp, bất chấp nỗ lực của chính quyền các cấp và ngành chức năng?
Về nguyên nhân trước mắt, có thể thấy chủ rừng chưa thực sự nắm được tình trạng rừng mà mình quản lý, chưa kịp thời phối hợp với địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cơ quan chức năng làm chưa hết trách nhiệm, thiếu sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát một cách hiệu quả, đơn cử như vị trí chốt ở Khánh Thượng, đến người dân thường cũng thấy đường đi của gỗ lậu, cần chốt ở điểm nào.
Ở tầm quản lý cao hơn, huyện cũng cần phải tăng cường rà soát, quản lý các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn. Đây chính là phần quan trọng nhất của dây chuyền phá rừng. Không có các cơ sở này tham gia tiêu thụ, chế biến, phân phối gỗ lậu, đầu nậu phá rừng sẽ bán cho ai? Hẳn chúng ta chưa quên vụ kiểm tra cửa hàng Mỹ nghệ ở Bến Lội, Sơn Thái tháng 4-2013, số lượng gỗ lậu được giấu xung quanh nhiều đến thế nào. Các cơ sở chế biến gỗ cần phải được kiểm tra, giám sát thường xuyên, cơ sở nào phát hiện chế biến gỗ lậu phải bị đóng cửa. Quy hoạch, tính toán hợp lý số lượng các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn, không để nở rộ như hiện nay... có vậy mới hy vọng phần nào hỗ trợ cho cuộc chiến bảo vệ rừng.
Về lâu dài, chúng ta có thể thấy, những người vẫn bị gọi là “lâm tặc”, ngoại trừ những chủ nậu ra, đại đa số là người lao động nghèo. Vì nghèo nên ai thuê gì làm nấy, dù biết rằng đó là việc làm phạm pháp. UBND huyện cần triển khai đồng bộ các giải pháp giúp đồng bào trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, tạo công ăn việc làm, giúp đồng bào có thu nhập ổn định. Có như vậy thì công tác vận động, tuyên truyền mới có hiệu quả.
Rừng của tỉnh chỉ còn có chút đó nữa thôi.
Thủy Ngân