Mới đây, sự việc một nữ sinh lớp 12 suýt không được học vì... lỡ có thai đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Nếu bạn bè trong lớp không lên tiếng, nếu không có sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo thì có lẽ cô bé ấy đã bị đình chỉ học.
Mới đây, sự việc một nữ sinh lớp 12 suýt không được học vì... lỡ có thai đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Nếu bạn bè trong lớp không lên tiếng, nếu không có sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo thì có lẽ cô bé ấy đã bị đình chỉ học. Đa số đều không đồng tình với cách xử lý sự cố ngoài ý muốn này của ban giám hiệu nhà trường nơi nữ sinh ấy đang theo học. Nhiều người cho rằng đó là cách xử lý cứng nhắc, không mang tính nhân văn.
Sự việc này làm tôi nhớ lại trường hợp tương tự đã xảy ra ở một trường THPT tại TP. Cam Ranh năm 2011. Nhưng cách xử lý sự việc của trường đầy tính nhân văn. Khi giáo viên chủ nhiệm báo tin trong lớp có một nữ sinh 19 tuổi có thai hơn 5 tháng, hiệu trưởng đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm dẫn nữ sinh đến gặp và hỏi chuyện. Câu đầu tiên vị hiệu trưởng hỏi là: Con có khỏe không? Con đã đi khám thai chưa? Con cần thầy giúp đỡ gì không?... Sau khi nghe nữ sinh trình bày hoàn cảnh, thầy đã động viên em, chỉ đạo phòng y tế nhà trường theo dõi thường xuyên sức khỏe của em, chuyển lớp học của em từ trên lầu xuống tầng trệt gần phòng y tế. Thầy còn đến lớp nói chuyện và đến nhà vận động cha mẹ nữ sinh tạo điều kiện cho con được tiếp tục học trước chuyện đã rồi. Kết quả, cô học trò đó đỗ tốt nghiệp với số điểm khá cao và đã sinh con an toàn. Ngày đầy tháng cháu bé, bạn bè và thầy cô đến chia vui. Thầy hiệu trưởng đã tặng cho cô học trò nhỏ của mình câu thư pháp vui: Đậu cái bằng và đặng cái bầu.
Kể lại câu chuyện trên để thấy rằng, tuy xã hội ngày nay đã có cái nhìn thoáng hơn về tình yêu - tình dục nhưng không phải ai cũng dễ dàng vượt qua sự khắc nghiệt của dư luận xã hội để chấp nhận chuyện nữ sinh có thai tiếp tục ngồi trên ghế nhà trường. Tâm lý sư phạm cổ điển đã tạo ra ở thầy cô giáo cách ứng xử nghiêm khắc với học sinh. Nhiều người cho rằng, học sinh là cái bình cần được đổ đầy kiến thức chứ không nhận thức được các em là những ngọn đuốc cần được thắp sáng lên. Nhiều thầy cô chỉ mới làm được phần dạy chữ. Trong khi đó, học sinh ngày nay sớm được tiếp cận nhiều thông tin xã hội vô cùng phong phú, nhạy cảm. Thiết nghĩ, cùng với việc thay đổi phương pháp giảng dạy, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá, thầy cô giáo cũng cần phải thay đổi cách tiếp cận và chăm sóc học sinh. Nhà trường phải tạo ra môi trường thân thiện, những hoạt động hữu ích để học sinh tích cực tham gia, nâng tầm nhận thức về khái niệm lập thân - lập nghiệp. Đặc biệt, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với kiến thức về tình yêu - tình dục, để chính các em nhận ra và dừng lại đúng giới hạn…
THU HIỀN