10:03, 16/03/2014

Chuyện cây mía

Thời điểm này, bà con nông dân đang bước vào vụ thu hoạch mía, thế nhưng gần đây, những thông tin không vui liên quan đến cây mía cứ liên tục xuất hiện.

Thời điểm này, bà con nông dân đang bước vào vụ thu hoạch mía, thế nhưng gần đây, những thông tin không vui liên quan đến cây mía cứ liên tục xuất hiện.


Đầu tiên là chuyện cháy mía ở Ninh Hòa. Những ngày đầu tháng 3, liên tiếp các vụ cháy mía xảy ra ở khu vực này, gây thiệt hại trên diện rộng. Do thời tiết khô hanh và có gió nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Ước tính sơ bộ, vụ mía này các hộ nông dân sẽ lỗ vài triệu đồng/ha. Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa cho biết, đến thời điểm này, tổng diện tích mía cháy đã lên đến hơn 60ha, thiệt hại trên 3.000 tấn mía, tập trung nhiều tại các xã Ninh Tây, Ninh Thân, Ninh Xuân. Ngoài ra, còn có hơn 10ha mía giống của nhà máy cũng bị cháy, ảnh hưởng đến lượng giống trong vụ tiếp theo. Các đám cháy xuất hiện ở mọi thời điểm, có ngày hơn 30ha mía cùng bị cháy. Số lượng các vụ cháy năm nay nhiều gấp đôi năm ngoái.


Bên cạnh mía cháy, người trồng mía Ninh Hòa còn lao đao vì mía thu hoạch xong phải chất đầy ruộng do xe chở mía bị chặn giữa đường, gây ách tắc trong khâu tiêu thụ. Nguyên nhân là do các chủ xe tải, lái xe chở mía muốn gây áp lực với nhà máy đường, yêu cầu nhà máy phải tăng giá cước vận chuyển và thời gian bốc dỡ mía. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào thì người thiệt hại vẫn là nông dân. Đang giữa vụ thu hoạch, nhưng trên những cánh đồng mía không còn cảnh nông dân tấp nập thu hoạch mía như những vụ trước, thay vào đó là cảnh đìu hiu, vắng lặng, chỉ lác đác vài nông dân xót của lấy lá ủ lại những đống mía đã chặt trên ruộng.


Còn ở huyện Khánh Vĩnh, đến thời điểm này tuy mới thu hoạch khoảng 300ha/gần 1.700ha mía nhưng nông dân đang lo lắng vì năng suất thấp, chữ đường giảm, không có lãi... Theo người dân, năm nay mía giảm năng suất ngoài lý do bị ảnh hưởng bởi bệnh trắng lá còn do thời tiết bất thường, bà con sử dụng phân bón chất lượng chưa tốt, làm cho mía không vươn lóng mạnh như vụ trước.


Năm nay, dự đoán cây mía sẽ gặp nhiều khó khăn ở đầu ra. Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện lượng đường tồn kho trên cả nước đã lên đến hàng trăm ngàn tấn. Vì vậy, số lượng mía mà các nhà máy đường mua cũng như giá mua mía vẫn là câu hỏi lớn đối với nông dân. Một nghịch lý khác là trong khi đường tồn kho nhiều thì Việt Nam vẫn nhập khẩu đường. Đó là chưa kể đến tình hình nhập lậu đường đã trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng lớn đến người trồng mía.


Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch mía đường là “có chuyện”, mà đa số là chuyện buồn đối với nông dân. Trong khi các ngành chức năng, những đơn vị liên quan chưa có giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh của ngành mía đường trong nước, thì nông dân vẫn cứ thấp thỏm, lo âu. Không nhận được một sự bảo đảm nào về giá trị kinh tế của cây mía, làm sao họ có thể an tâm gắn bó với cây mía?


Có lẽ các ngành chức năng cần xem lại có nên đòi hỏi người nông dân phải duy trì và tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu mía theo kế hoạch? Bởi lẽ, khi đưa ra mục tiêu kế hoạch thì cũng phải có giải pháp thực hiện hiệu quả, nếu không sẽ chỉ là tuyên truyền và vận động suông mà thôi.


Ngọc Khánh