10:11, 11/11/2013

Tái cấu trúc

Thời gian qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Trong nước, hàng loạt doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, thậm chí giải thể, phá sản.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn. Trong nước, hàng loạt DN bị đình trệ sản xuất, thậm chí giải thể, phá sản. Trong bối cảnh đó, một giải pháp được các chuyên gia kinh tế đưa ra cùng với sự nhìn nhận thẳng thắn từ DN, đó là, cần phải tái cấu trúc để DN tồn tại và phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.


Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện tái cấu trúc không đơn giản. Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, muốn tái cấu trúc hiệu quả thì phải tiến hành đồng bộ, toàn diện, nghĩa là phải tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. Đơn cử như ở Khánh Hòa, 8 tháng năm 2013, ngành Ngân hàng đã tiến hành cơ cấu lại nợ cho hàng trăm khách hàng với số tiền gần 400 tỷ đồng; hơn 2.000 DN cũng đã được vay vốn để duy trì, phát triển sản xuất. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn có không ít DN không tiếp cận được nguồn vốn do không đáp ứng đủ các điều kiện của ngân hàng (chủ yếu là chứng minh năng lực thực tế). Vì vậy, theo các chuyên gia, để giải bài toán vốn, các DN cần thực hiện tái cấu trúc, tự làm mới mình trước khi cầu cứu tới ngân hàng. “Nếu tái cấu trúc ngân hàng mà không tái cấu trúc DN thì DN khó vay được vốn. Thời gian qua, các ngân hàng đã tập trung vốn để gỡ khó cho DN, nhưng các DN cũng phải có phương án để vượt qua khó khăn một cách hiệu quả, có như vậy ngân hàng mới mạnh dạn rót vốn cho DN”, chuyên gia ngân hàng phân tích.


Về bản chất, tái cấu trúc là quá trình tổ chức, sắp xếp lại DN nhằm tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho DN để thực hiện những mục tiêu đề ra. Mục tiêu chung của tái cấu trúc là đạt được một “thể trạng tốt hơn” cho DN để DN hoạt động hiệu quả hơn dựa trên những nền tảng về sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng chiến lược sẵn có của DN.


Nói như vậy không có nghĩa là chỉ những DN gặp khó khăn, trên bờ vực phá sản mới thực hiện tái cấu trúc mà đôi khi những công ty đang phát triển cũng cần phải tái cấu trúc để hệ thống vận hành một cách hiệu quả. Nhu cầu tái cấu trúc DN thường xuất phát từ sự phát triển nhanh chóng của công ty về nguồn lực, phạm vi hoạt động, lĩnh vực kinh doanh, xây dựng và phát triển uy tín, thương hiệu... Tất cả những sự thay đổi, phát triển đó, hay sự xuất hiện của một nhân tố mới trong môi trường kinh doanh đều dẫn đến sự không tương thích giữa cơ chế quản lý của DN. Hơn nữa, muốn tồn tại trong môi trường tự do cạnh tranh như hiện nay, DN phải luôn vận động để phát triển về mọi mặt. Điều này dẫn đến sự không ăn khớp hoặc nảy sinh các mâu thuẫn trong bộ máy quản lý ở các cấp, các bộ phận trong DN với nhiều mức độ khác nhau. Chính vì thế, có thể khẳng định, tái cấu trúc DN là một nhu cầu tất yếu khách quan trong suốt quá trình hình thành và phát triển của tất cả các DN.


Ngọc Khánh