10:11, 08/11/2013

Ngôi đình làng và nhà văn hóa

Trong bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, tiêu chí thứ 6 là về cơ sở vật chất văn hóa. Tiêu chí này quy định xã phải có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao theo quy định của Bộ.

Trong bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, tiêu chí thứ 6 là về cơ sở vật chất văn hóa. Tiêu chí này quy định xã phải có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao theo quy định của Bộ. Tiêu chí này đang làm các xã triển khai xây dựng nông thôn mới đau đầu. Nơi thì kiếm không ra quỹ đất, nơi thì không có kinh phí...


Truyền thống ngàn đời nay của nông thôn Việt Nam là mọi sinh hoạt của dân làng đều diễn ra ở đình làng. Ngôi đình là nơi làng thờ Thần thành hoàng, vị thần hộ quốc tý dân của làng. Ngôi đình còn là nơi diễn ra mọi hoạt động tâm linh và thế tục của làng; chính là trung tâm sinh hoạt của dân làng. Ngôi đình ấy chỉ do người dân trong làng góp sức dựng nên, truyền từ đời nay qua đời khác chứ người xưa chưa biết xin kinh phí, mà có xin cũng chả ở đâu cấp. Trên đất nước ta, biết bao nhiêu ngôi đình hàng trăm năm tuổi, kiến trúc độc đáo đã trở thành di sản văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh...


Trở lại những thiết chế văn hóa nông thôn của ta bây giờ. Cấp trên đã rất tích cực suy nghĩ giùm cho người dân, sáng tạo ra nhiều mô hình mà không cần biết nó tồn tại ra sao(!)


Thời bao cấp còn hợp tác xã nông nghiệp, hầu như mỗi xã đều có một nhà văn hóa ngoài trời. Đó là nơi tổ chức văn nghệ, chiếu phim và lâu lâu đón đoàn cải lương về diễn... Theo thời gian, những nhà văn hóa này xuống cấp và được các xã chuyển đổi vào mục đích khác, ngày nay không còn mấy xã duy trì.


Khoảng chục năm trước, khi Ủy ban Chăm sóc thiếu niên nhi đồng các cấp còn tồn tại, dự án Khu vui chơi trẻ em các xã ra đời. Các xã dành quỹ đất ở trung tâm, Ủy ban rót vốn xây dựng. Đã có khoảng 30 khu vui chơi ra đời với kinh phí vài chục tỷ đồng. Xây dựng xong thì bỏ hoang do không có cơ chế quản lý và kinh phí để duy trì hoạt động.


Mới đây nhất, hệ thống bưu điện văn hóa xã của ngành Bưu chính với khoảng hơn 80 điểm, tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang ngắc ngoải. Cơ sở hoang phế, nhiều nơi đã cửa đóng then cài mà ngành Bưu chính thực sự không biết xử lý ra sao.


Mong muốn cho người dân ở nông thôn được hưởng thụ một đời sống văn hóa là đáng quý. Có điều, nông thôn mỗi vùng miền có đặc trưng riêng, truyền thống riêng, đời sống văn hóa phải gắn với nhu cầu thực sự của người dân mới tồn tại. Không thể vẽ ra một mô hình thiết chế văn hóa chung rồi áp xuống, bắt các nơi thực hiện.


Tại sao các cụ ngày xưa chả phải trông chờ cấp trên hướng dẫn, cấp kinh phí mà xây dựng được thiết chế văn hóa làng bền vững thế?


Những bài học kia còn nóng hổi.


T.D