08:11, 28/11/2013

Chuyện của biển

Theo Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa Võ Thiên Lăng, năm 2013 là năm hoạt động đánh bắt hải sản gặp khó khăn nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Cả nghề lưới đáy cho tới lưới nổi đều có sản lượng rất thấp so với cùng kỳ năm trước, chỉ khoảng từ 30 đến 40%.

Theo Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa Võ Thiên Lăng, năm 2013 là năm hoạt động đánh bắt hải sản gặp khó khăn nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Cả nghề lưới đáy cho tới lưới nổi đều có sản lượng rất thấp so với cùng kỳ năm trước, chỉ khoảng từ 30 đến 40%.


Vì sao sản lượng giảm đến mức đáng báo động như vậy?


Thứ nhất, nguy cơ cạn kiệt tài nguyên đang dần hiện lên rõ nét. Theo số liệu của Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, số lượng tàu thuyền trong nước thời gian gần đây tăng khá nhanh cả về số lượng cũng như công suất.

Song, ngư trường khai thác lại không được mở rộng một cách tương xứng. Mật độ tàu thuyền cao dẫn đến năng suất khai thác giảm là điều không khó hiểu.


Thứ hai, việc sắp xếp, tổ chức khai thác chưa thật sự hợp lý nên năng suất, hiệu quả thấp. Thêm vào đó là phương tiện, thiết bị cũng như trình độ, năng lực của đội ngũ khai thác chưa đáp ứng được yêu cầu.


Tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 10.000 phương tiện đánh bắt hải sản, với trên 50.000 người hoạt động đánh bắt trên biển. Sản lượng đánh bắt thấp, thu nhập không có, đời sống khó khăn, ngư dân đang có xu hướng bỏ nghề, chuyển làm việc khác. Thực tế hiện nay có nhiều tàu không tìm được bạn (người làm công việc đánh bắt trên những con tàu - PV) nên đành phải nằm bờ. Câu chuyện an sinh xã hội của ngần ấy con người quả là không nhỏ. Không chỉ vậy, ở đây còn có mối liên hệ dây chuyền. Sản lượng đánh bắt thấp gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động chế biến, xuất khẩu... Chế biến, xuất khẩu khó; đầu ra khó, giá cả khó lại có tác động ngược lại hoạt động khai thác. Cứ vậy mà tạo thành vòng lẩn quẩn, khó tìm lối ra.


Từ thực tế đó, câu chuyện tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp cho phù hợp với các vùng biển, tuyến biển, với môi trường tự nhiên, nguồn lợi thủy sản từ lâu đã được Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nhắc tới nay đã trở nên hết sức bức thiết; trong đó có cả việc đàm phán, hợp tác với các nước có tiềm năng để ngư dân Việt Nam có thể vươn ra khai thác ở những vùng biển nước ngoài.


Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 có đề cập việc khai thác phải chuyển nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại. Nhưng, chuyển như thế nào, bắt đầu từ đâu, lộ trình ra sao... hiện vẫn còn là một câu chuyện dài cần được tập trung tìm hướng, tìm giải pháp. Có thể thấy, thực lực đội ngũ khai thác của chúng ta hãy còn rất yếu, cả về lực lượng doanh nghiệp lẫn về tiềm lực khoa học, công nghệ. Vốn ở đâu, công nghệ nào, thiết bị gì, quản lý vận hành ra sao, đội ngũ quản lý cũng như khai thác phải được đào tạo như thế nào... là những câu hỏi cần có câu trả lời thật cụ thể, thật thấu đáo, không chung chung kiểu như “đẩy mạnh”, “tăng cường”, “quyết liệt”...


Nhiều chuyên gia về biển cho rằng chúng ta không thể khai thác tài nguyên biển bằng tư duy nông nghiệp; ra khơi bằng cả “hạm đội thuyền thúng”. Phải có thực lực đủ mạnh, từ phương tiện, công nghệ, thiết bị cho tới con người. Cùng với đó là tập trung xây dựng cho được quan hệ sản xuất phù hợp.


Biển bao la, mênh mông là vậy. Nhưng không phải là không cùng. Tài nguyên chúng ta là biển bạc. Làm thế nào để ngư dân chúng ta không sống nghèo, sống khó khăn ngay chính trên mỏ bạc quý báu ấy?


PHONG NGUYÊN