Để ghi nhận đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, từ năm 2004 đến nay, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành và một số cơ quan hữu quan tổ chức xét chọn và công bố doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”.
Để ghi nhận đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, từ năm 2004 đến nay, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành và một số cơ quan hữu quan tổ chức xét chọn và công bố doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”. Đây là hoạt động thường niên, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tới các đối tác, tổ chức nước ngoài. Qua 9 năm thực hiện, hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ quan hữu quan cũng như giới doanh nghiệp, đóng góp đáng kể vào việc giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ra thị trường thế giới.
Năm 2013, tiêu chí xét chọn là các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, không lỗ trong 2 năm 2011, 2012; không vi phạm pháp luật Việt Nam, nước ngoài và các luật khác điều chỉnh hoạt động doanh nghiệp; không bị các đối tác khiếu kiện về các vấn đề liên quan đến thương hiệu; thực hiện nghiêm túc các hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài; hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước; có kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt mức tối thiểu từ 1 - 20 triệu USD tùy ngành hàng. Kết quả bình chọn, Khánh Hòa có 8 doanh nghiệp đạt danh hiệu xuất khẩu uy tín là: Công ty TNHH Hải Vương, Công ty TNHH Tín Thịnh, Công ty TNHH Thủy sản Hải Long Nha Trang, Công ty TNHH một thành viên Xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods F17, Công ty Cổ phần Chế biến lâm thủy sản Khánh Hòa, Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Khuê và Công ty liên doanh Cát Phú.
Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ, thì việc các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu nhằm tăng khả năng cạnh tranh, giữ vững thị trường xuất khẩu là tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế.
Chia sẻ về bí quyết thành công, đại diện Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Khuê (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ) cho rằng, yếu tố tạo nên thành công của doanh nghiệp chính là luôn tìm tòi, sáng tạo, thiết kế mẫu mã mới lạ, chất lượng ổn định với giá thành hợp lý, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Ở một lĩnh vực khác, lãnh đạo Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods F17 cho biết, bí quyết của đơn vị là luôn chuẩn bị chu đáo nguồn nhân lực, máy móc thiết bị, tài chính cũng như đối phó với các vụ kiện áp thuế chống trợ cấp với các mặt hàng xuất khẩu thủy sản...
Theo lãnh đạo ngành Công Thương, khi một doanh nghiệp đạt danh hiệu xuất khẩu uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được phổ biến rộng rãi trên thế giới thông qua trang web của Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại, website hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, VCCI… Đây là lợi thế lớn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu còn nhiều trở ngại. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, các cơ quan, ban ngành của tỉnh cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giữ vững thị trường xuất khẩu.
NGỌC KHÁNH