11:10, 27/10/2013

Đầm Thủy Triều

Đầm Thủy Triều là vùng đất chuyển tiếp giữa đất liền của huyện Cam Lâm với vịnh Cam Ranh. Trước đây, khu vực này có rất nhiều diện tích rừng ngập mặn và thảm cỏ biển, song do người dân nuôi trồng thủy sản tùy tiện nên diện tích rừng ngập mặn và thảm cỏ biển nơi đây đã mất dần.

Đầm Thủy Triều là vùng đất chuyển tiếp giữa đất liền của huyện Cam Lâm với vịnh Cam Ranh. Trước đây, khu vực này có rất nhiều diện tích rừng ngập mặn và thảm cỏ biển, song do người dân nuôi trồng thủy sản tùy tiện nên diện tích rừng ngập mặn và thảm cỏ biển nơi đây đã mất dần. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã triển khai giải pháp khôi phục rừng ngập mặn và thảm cỏ biển ven đầm.


Đề tài “Triển khai các mô hình phục hồi và quản lý rừng ngập mặn, thảm cỏ biển ở khu vực đầm Thủy Triều” được giao cho Viện Hải dương học chủ trì thực hiện có tổng kinh phí hơn 674 triệu đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách hơn 534 triệu đồng, thời gian thực hiện từ tháng 7-2012 đến tháng 7-2014. Mục tiêu của đề tài là phục hồi thành công rừng ngập mặn, quản lý có hiệu quả rừng ngập mặn và thảm cỏ biển ở khu vực đầm Thủy Triều, phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch có sự tham gia của doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng địa phương.

Qua hơn 1 năm thực hiện, đến nay, đề tài đã đạt một số kết quả: Trồng mới gần 3,5ha rừng ngập mặn với tỷ lệ sống từ 60 - 80%, trong đó có 1,2ha thuộc xã Cam Hòa, 1ha thuộc xã Cam Hải Đông và 1,2ha thuộc xã Cam Thành Bắc với sự tham gia của 5 hộ dân và Nhà máy Đường Khánh Hòa; lựa chọn khu vực đề xuất bảo tồn và quản lý 1ha rừng ngập mặn tự nhiên và 30ha thảm cỏ biển vùng ven bờ thuộc xóm 4, thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông; triển khai các hoạt động truyền thông tại 6 xã/phường ven đầm, trong đó tổ chức 2 đội tình nguyện địa phương tham gia giám sát thảm cỏ biển trong đầm. Đặc biệt, năm 2012, đề tài đã trồng thử nghiệm tại khu vực xã Cam Hải Đông 23 cây cóc đỏ giống (Lumnitzera littorea) - sản phẩm của đề tài cấp cơ sở năm 2010 của Viện Hải dương học. Đây là loài cây quý hiếm nằm trong sách Đỏ của Việt Nam và thế giới. Sau 1 năm cây cóc đỏ phát triển tốt, đạt tỷ lệ sống 78%.


Theo lãnh đạo Viện Hải dương học, một trong những trở ngại lớn trong việc khôi phục hệ đa dạng sinh học ở đầm Thủy Triều là hoạt động của con người ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và chất lượng của cây ngập mặn, thảm cỏ biển. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Nhà máy Đường Khánh Hòa, nhân dân các xã Cam Thành Bắc, Cam Hòa, Cam Hải Đông để triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái, trồng rừng ngập mặn. Đồng thời, chú trọng việc thực hiện cơ chế đồng quản lý trong thực hiện đề tài bởi đây cũng là một trong những cầu nối quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp và nhà khoa học xích lại gần nhau. Tất cả vì mục đích chung là xây dựng thành công bức tường rào bằng cây ngập mặn ngăn cách giữa đất liền với biển.


Một khi rừng ngập mặn đã lên xanh thì đây sẽ là nơi cung cấp thức ăn cho các loài thủy hải sản, góp phần đem lại sinh kế và ổn định đời sống cho dân cư sống ven đầm. Đây cũng chính là hướng phát triển bền vững của đầm Thủy Triều.


Ngọc Khánh