Xây dựng cánh đồng mẫu lớn hay thực hiện công tác dồn điền đổi thửa là chủ trương lớn của Chính phủ đã được tỉnh Khánh Hòa áp dụng khá tốt trên địa bàn huyện Cam Lâm thời gian qua. Đây là mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp với mục tiêu ....
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn hay thực hiện công tác dồn điền đổi thửa là chủ trương lớn của Chính phủ đã được tỉnh Khánh Hòa áp dụng khá tốt trên địa bàn huyện Cam Lâm thời gian qua. Đây là mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp với mục tiêu xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp bền vững, mang tính hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho bà con nông dân, góp phần hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Với mục tiêu đó, Khánh Hòa đang tiếp tục triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại xã Diên Điền, huyện Diên Khánh với diện tích hơn 56 ha.
Theo các chuyên gia, trước nay trong sản xuất nông nghiệp vẫn tồn tại cảnh mạnh ai nấy làm. Các doanh nghiệp chỉ biết bán hàng, thu tiền ngay chứ không dám chịu trách nhiệm đến cùng (ít nhất là sau thu hoạch) với người nông dân. Các nhà khoa học thì thường đứng ở đâu đó rất xa, chỉ đạo chung chung, sách vở. Nhà quản lý thì ngại “ôm rơm rậm bụng”. Ngành vật tư nông nghiệp bị xé lẻ, qua nhiều cấp, nhiều khâu trung gian phân phối, làm đội giá thành khi tới tay nông dân. Nhà nông thì cứ theo kinh nghiệm cổ truyền mà làm: Tự ý để giống, gieo cấy và bón phân, xịt thuốc… Sự manh mún, nhỏ lẻ đó đã làm giảm khả năng xử lý những gãy vỡ do thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, khi xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, những thửa ruộng nhỏ lẻ, manh mún, rất khó để áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ được quy hoạch, bố trí lại. Những thửa ruộng bậc thang được san ủi bằng phẳng, một thửa ruộng chỉ ghép tối đa 2 hộ, đảm bảo diện tích từ 2.000m2 trở lên. Hệ thống thủy lợi, giao thông được làm mới, tạo điều kiện để bà con canh tác theo phương châm 3 không: Không cấy lúa (mà gieo sạ), không gặt đập bằng tay (mà bằng máy liên hợp), không phơi lúa (mà sấy)… Lúc đó, ngày công lao động sẽ giảm, người nông dân có thêm điều kiện để nâng cao kiến thức về mọi mặt.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thấy rõ, nhiều bà con nông dân cũng bày tỏ sự lo ngại việc dồn điền đổi thửa chỉ là hình thức chia lại ruộng đất, phá vỡ bờ thửa nên sẽ đưa người nông dân trở lại kiểu canh tác cũ. Đồng thời, quá trình chuyển đổi các thửa ruộng đã xuất hiện tình trạng thiếu công bằng, dân chủ và những trở ngại trong cách tổ chức sản xuất trên từng thửa ruộng.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, những lo ngại của bà con là hoàn toàn có cơ sở. Vì vậy, điều quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của người dân. Làm thế nào để bà con hiểu được việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn sẽ tạo ra một hình thức sản xuất tốt hơn, năng suất cao hơn, giá thành cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, để cánh đồng mẫu lớn thực sự phát huy hiệu quả thì sản xuất phải gắn với liên kết đầu tư và tiêu thụ. Nông dân làm ra sản phẩm phải chắc chắn được doanh nghiệp thu mua và giá cả phải cao hơn, có như vậy họ mới yên tâm và làm theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng VietGAP.
Người nông dân cũng cần hiểu việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn không ngoài mục tiêu nâng cao khả năng sản xuất và thu nhập của bà con, làm thay đổi bộ mặt nông thôn hiện nay.
Ngọc Khánh