Vừa qua, 82 gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc trên toàn tỉnh đã được biểu dương, khen thưởng.
Vừa qua, 82 gia đình văn hóa (GĐVH) tiêu biểu xuất sắc trên toàn tỉnh đã được biểu dương, khen thưởng.
Đây là những gia đình sống gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước cộng đồng; tích cực, chủ động tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương như nuôi con khỏe, dạy con ngoan; ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền… Có gia đình có 8 người con và 15 cháu vào đại học; có gia đình hiến 7.000m2 đất để xây dựng nhà định cư cho một số hộ gia đình khó khăn; có gia đình sản xuất giỏi, vươn lên làm giàu; có gia đình tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện, giúp đỡ cộng đồng….
Có thể thấy, người dân đã nhận thức rõ việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là cơ sở bền vững, là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình. Và việc thực hiện tốt phong trào xây dựng GĐVH đã phát huy tinh thần đoàn kết, củng cố tình làng nghĩa xóm, hạn chế các mâu thuẫn trong nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, một bộ phận nhân dân có nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của phong trào đối với từng gia đình và cộng đồng dân cư, dẫn đến có lúc, có nơi còn xem nhẹ việc xây dựng GĐVH. Cũng có nơi, chính do công tác xét chọn chưa làm tới nơi tới chốn nên danh hiệu GĐVH chưa có sức thuyết phục. Bởi, nhiều gia đình được công nhận là GĐVH nhưng chưa thật sự gương mẫu.
Dưới sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế hội nhập, gia đình Việt Nam đang có nhiều biến đổi sâu sắc. Chừng mực nào đó, những giá trị văn hóa gia đình truyền thống, những giá trị đạo đức xã hội… ở nhiều nơi đang bị coi nhẹ. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống của gia đình đã và đang có biểu hiện xuống cấp. Lối sống cá nhân, vụ lợi, thực dụng… đang có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhiều gia đình. Cho nên, việc giáo dục thế hệ trẻ phát triển đầy đủ và hợp lý về thể lực, trí lực và đạo đức là một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc xây dựng gia đình. Làm thế nào để làm việc này hiệu quả nhất? Bên cạnh cha mẹ - nhân tố quan trọng có tác động trực tiếp nhất, từ trong gia đình, lớp trẻ vẫn cần một môi trường xã hội lành mạnh để rèn luyện nhân cách. Nếu tổ chức tốt, những phong trào được lồng ghép như xóa đói giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa… sẽ góp phần tạo ra môi trường lành mạnh ấy.
Để có đủ năng lực ứng phó với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội, từng gia đình cần làm tốt vai trò giáo dục, duy trì lối sống văn hóa trong gia đình. Xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” không phải là việc gì trừu tượng, xa vời mà chính là lưu giữ, nhân lên những nét đẹp thường ngày, những nề nếp truyền thống, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm, là nơi chắp cánh của mỗi người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt; xã hội tốt thì gia đình càng tốt”.
PHONG NGUYÊN