08:09, 20/09/2013

Tầm nhìn trong quy hoạch

Suốt trong tháng 9 này, việc Nhà máy tách cọng thuốc lá của Khatoco khắc phục ô nhiễm theo yêu cầu của người dân hai thôn Đắc Lộc 1 và 2 xã Vĩnh Phương trở thành điểm nóng của dư luận.

Suốt trong tháng 9 này, việc Nhà máy tách cọng thuốc lá của Khatoco khắc phục ô nhiễm theo yêu cầu của người dân hai thôn Đắc Lộc 1 và 2 xã Vĩnh Phương trở thành điểm nóng của dư luận. Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa nhiều lần kiểm tra trực tiếp và chỉ đạo cho phép Nhà máy chạy thử để hiệu chỉnh hệ thống xử lý bụi, tiếng ồn, mùi đến ngày 24-9. Nhưng người dân lại chỉ cho phép chạy thử trong 3 ngày. Toàn bộ cán bộ xã Vĩnh Phương thời gian qua đã “3 cùng” với dân để kiểm chứng sự khắc phục ô nhiễm… Đỉnh điểm là ngày 18-9, mấy chục người dân kéo lên Nhà văn hóa xã “tạm trú”, xã phải mua cơm hộp cho dân ăn tạm.


Ở đây, chúng tôi không bàn chuyện đúng sai trong xử lý, khắc phục ô nhiễm của Nhà máy hay yêu cầu của người dân, chỉ xin bàn đến chuyện quy hoạch và quản lý quy hoạch.


Có thể nói, một giai đoạn rất dài, chúng ta thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, tiện đâu làm đấy, không hề có dự báo sự phát triển. Lấy ví dụ như ở TP. Nha Trang. Thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước, Nha Trang bé tẹo. Bình Tân hay Đồng Đế còn xa vời vợi, muốn đi phải ra bến xe lam để đón xe. Thế là bố trí Khu công nghiệp Bình Tân, Nhà máy Thủy sản F17, Công ty Dược… để đến hôm nay, những cơ sở này nằm gọn trong lòng đô thị. Về lâu dài, các cơ sở này cũng phải có hướng di dời.


Khi tỉnh chủ trương phát triển các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp ở ven đô, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp này khi triển khai quên mất việc phải có khoảng đệm với khu dân cư. Khi mà nhà dân sát tường khu công nghiệp, không bị ảnh hưởng do sản xuất mới là chuyện lạ. Bởi sản xuất có sạch đến đâu cũng ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt.


Cuối thập niên 90, tỉnh quy hoạch Khu hậu cần nghề cá Bắc Hòn Ông. Thế rồi, một phần bán đảo Cam Ranh được đưa vào phát triển kinh tế - xã hội, Đại lộ Nguyễn Tất Thành thênh thang phóng vào sân bay… Đường mở đến đâu, nhà dân phát triển theo đó, tỉnh đã kịp thời chuyển đổi mục đích quy hoạch Khu Bắc Hòn Ông thành khu dành cho các trường đại học. Có thể nói đây là sự chuyển hướng hiếm hoi, kịp thời trong quy hoạch của tỉnh.


Quản lý quy hoạch cũng là điều đáng bàn.


Một hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống, đó là khi có một nhà máy, một công trường ra đời, đầu tiên là có một vài hộ buôn bán đến kiếm chỗ trống dựng tạm quán bán nước, bán đồ ăn cho công nhân. Lần hồi, cái quán đó cứ được kiên cố từng phần… đến khi cơ quan chức năng kiểm tra thì đã thành nhà. Dần dần mấy hộ hợp thành một khu dân cư tự phát. Vài năm sau, chính các hộ này lại kiện nhà máy làm ảnh hưởng đến đời sống của họ…


Bài học Nhà máy tách cọng thuốc lá Vĩnh Phương, chúng ta phải học thuộc. Bởi trong quy hoạch, chúng ta đang có những khu công nghiệp tập trung ở Bắc và Nam Vân Phong, các huyện, thị xã đều có các cụm công nghiệp. Nếu để tình trạng xen kẽ với nhà dân, không dự báo được tốc độ phát triển dân cư hoặc không quản lý nghiêm quy hoạch ngay từ đầu, một vài năm sau sẽ chỉ lo giải quyết hậu quả.


Quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chuyên ngành của tỉnh hầu hết đã được phê duyệt. Vấn đề là quản lý quy hoạch đó như thế nào và khi triển khai cụ thể ra sao mà thôi.


THỦY NGÂN