Thời gian gần đây, người ta thường dùng cụm từ “thảm họa pepop” để chỉ sự thiếu chất lượng, thậm chí nhảm nhí của một số tác phẩm âm nhạc đương đại.
Thời gian gần đây, người ta thường dùng cụm từ “thảm họa pepop” để chỉ sự thiếu chất lượng, thậm chí nhảm nhí của một số tác phẩm âm nhạc đương đại.
Cái gọi là “âm nhạc thị trường” đang dần dà trở nên quen thuộc trong giới trẻ. Đặc biệt, trên cộng đồng mạng đã hình thành một trào lưu âm nhạc của tuổi teen. Nhiều tác phẩm âm nhạc hiện nay có giai điệu, tiết tấu, ca từ… rất không giống… âm nhạc mà chỉ là một chuỗi tiếng ồn, tiếng hú hét. Thật khó mà nói cho chính xác rằng những bài hát kiểu như vậy thuộc trào lưu nào, trường phái nào, mang âm hưởng của dòng âm nhạc nào. Để lấp đi những khiếm khuyết cố hữu về chất lượng, những tác phẩm âm nhạc ấy tìm cách lôi kéo người nghe, người xem bằng cách đầu tư phần… nhìn nhiều hơn phần nghe. Sân khấu lộng lẫy hơn. Ca sĩ ăn mặc “mát mẻ” hơn. Phần múa phụ họa cũng nhiều hơn.
Chúng ta, ai cũng biết rằng, nhân cách con người, trong quá trình hình thành và hoàn thiện, chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những yếu tố như âm nhạc. Một điệu hò, một lời ru mênh mang trong không gian trong lành một thời đã để lại trong tâm khảm bao người những ký ức, những cảm xúc thật đẹp, thật khó quên. Cho nên, nhiều người lo lắng đặt câu hỏi rằng với chất lượng cực thấp như vậy thì các chức năng như giáo dục, thẩm mỹ… của những cái gọi là tác phẩm âm nhạc như trên sẽ được phát huy ra sao.
Ấy là nói về nhạc. Còn về lối biểu diễn thì càng đáng lo hơn. Như trên đã nói, khi “nhìn” âm nhạc với những lối ăn mặc không giống ai; những cách cường điệu đến mức quằn quại… nhiều người đã cảm thấy xấu hổ, thấy như bị xúc phạm. Vậy thì hiệu quả thẩm mỹ, tính giáo dục ở đâu trong những cách thể hiện như vậy?
Chưa hết. Lớp trẻ ngày nay dường như cuồng nhiệt hơn với những “Idol”, những thần tượng; nhiều khi đến mức mê muội, chẳng hạn như chuyện các fan hôn chỗ ngồi của thần tượng... Nhưng, những “thần tượng” của các em là những ai? Nhiều khi đó là những ca sĩ, diễn viên (xin được tạm gọi như vậy vì khó có cách gọi nào khác) có phông văn hóa rất kém, có cách ứng xử rất thiếu giáo dục. Những “tấm gương mờ” kiểu ấy có thể tìm thấy nhan nhản trên các trang thông tin mạng trong thời gian gần đây. Các em có bị tiêm nhiễm bởi những “đức tính” ấy của thần tượng không? Câu trả lời chắc ai cũng biết.
Câu chuyện định hướng thị hiếu thẩm mỹ, ở đây chỉ nói riêng về âm nhạc, cho giới trẻ hiện nay là khó vô cùng. Nhiều đứa trẻ khi còn học cấp một rất thích những bài đồng dao, những bài hát thiếu nhi truyền thống. Đến khi lên cấp hai, rồi cấp ba, theo tâm lý đám đông của bạn bè, theo “mốt”, sở thích các em dần thay đổi, theo chiều hướng không tích cực. Nhiều phụ huynh đau đầu trước thực trạng này.
Với cách làm hiện nay, rõ ràng, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật khó có thể giúp trẻ có được một “bộ lọc” tốt, để có thể “gạn đục khơi trong” trong thưởng thức, cảm thụ âm nhạc.
Nơi chốn cuối cùng vẫn là gia đình. Gia đình, với cách làm ngày ngày cho con em mình tiếp cận với những tác phẩm âm nhạc có chất lượng, có giá trị nghệ thuật; kèm theo phân tích, định hướng, sẽ góp phần ngăn chặn mối thảm họa từ những tác phẩm âm nhạc kém giá trị đang hoành hành trên thị trường âm nhạc hiện nay.
Nói vậy, nhưng làm có dễ đâu.
PHONG NGUYÊN