11:09, 06/09/2013

Làm cho thế giới sạch hơn

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt là chiến dịch) do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm.

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt là chiến dịch) do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm. Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia.


Năm 2013, chiến dịch có chủ đề “Nơi sinh sống của chúng ta... Hành tinh của chúng ta... Trách nhiệm của chúng ta”, được phát động và hưởng ứng trên phạm vi toàn cầu từ ngày 20 đến 22-9. Chủ đề này là nội dung tiếp theo của chiến dịch năm 2011 và 2012, thiết thực hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới 5-6 với chủ đề “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” do Liên hợp quốc phát động. Chiến dịch nhằm nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân trong các hoạt động chung của cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức của cá nhân, cộng đồng về trách nhiệm đối với môi trường, góp phần vào những nỗ lực vì môi trường toàn cầu.


Việt Nam tham gia hưởng ứng chiến dịch từ năm 1994, đến nay, sự kiện này đã được các bộ, ngành, địa phương và đông đảo tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ phát động quốc gia hưởng ứng chiến dịch vào ngày 21-9 tại TP. Đà Lạt. Ở Khánh Hòa, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai các hoạt động hưởng ứng chiến dịch theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ và người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tạo công luận lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường. Song song đó, tổ chức các chiến dịch truyền thông hướng dẫn về chủ đề tiết kiệm, tránh lãng phí thực phẩm tới cán bộ, công nhân viên và cộng đồng dân cư; đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn, chợ, trung tâm thương mại và khu du lịch, từ đó hình thành ý thức tiêu dùng thân thiện với môi trường cho mỗi người. Tổ chức mít tinh và các hoạt động cụ thể, thiết thực như: Ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn dân cư; khơi thông dòng chảy, nạo vét ao hồ, kênh mương, hệ thống thoát nước; diễu hành, cổ động bảo vệ môi trường, tránh lãng phí thực phẩm tại các nơi công cộng; đẩy mạnh và phát động các phong trào, chương trình, dự án bảo vệ môi trường tại nơi ở, nơi làm việc, cơ quan, công sở, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các khu vực công cộng như đường phố, công viên...


Vì một môi trường xanh - sạch - đẹp, mỗi người đều có thể tham gia hưởng ứng chiến dịch bằng những việc làm đơn giản như: Hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng tiết kiệm điện, gas, bỏ rác đúng nơi quy định, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh khu vực gia đình và nơi mình sinh sống, giáo dục mọi người trong gia đình, cơ quan, cộng đồng cùng có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, năng lượng... Hãy bắt đầu từ những hoạt động bảo vệ môi trường đơn giản từ chính nơi sinh sống của chúng ta, chắc chắn nó sẽ tác động lan tỏa đến toàn cầu, làm cho thế giới sạch hơn.


NGỌC KHÁNH