Như vậy là đã hơn một tháng, Thông tư số 26 ngày 22-5-2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giống thủy sản có hiệu lực. Nội dung thông tư quy định rất rõ nhiều nội dung về điều kiện sản xuất, kinh doanh GTS; ....
Như vậy là đã hơn một tháng, Thông tư số 26 ngày 22-5-2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giống thủy sản (GTS) có hiệu lực. Nội dung thông tư quy định rất rõ nhiều nội dung về điều kiện sản xuất, kinh doanh GTS; chất lượng GTS; khảo nghiệm, kiểm định GTS; kiểm tra điều kiện sản xuất và chất lượng GTS; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… Tuy nhiên, thông tư này lại không bao gồm nội dung kiểm dịch GTS.
Trước khi có Thông tư 26, đã có nhiều văn bản pháp quy trên lĩnh vực này được ban hành như Pháp lệnh Giống vật nuôi 2004, Quyết định 18, Thông tư số 02 của Bộ Thủy sản về quy chế khảo nghiệm GTS, thức ăn, chế phẩm sinh học; quy định điều kiện sản xuất kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản… Tuy nằm ở nhiều văn bản khác nhau, gây khó khăn trong cập nhật, quán triệt, thực hiện, nhưng, quả thật, những cơ sở pháp lý, những quy định về GTS đã có khá đầy đủ.
Vậy nhưng, trên thực tế, đến nay, tình hình về con GTS vẫn rất phức tạp, trên các lĩnh vực ươm nuôi, lưu thông cũng như kiểm dịch, gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động nuôi trồng.
Một trong những nguyên nhân được xác định là chúng ta chưa có những trại giống quốc gia cung cấp đủ giống hậu bị thuần chủng có chất lượng cao, trong khi có nhiều trại giống tự do phát triển, nhiều cơ sở không đạt yêu cầu, chưa có quy chuẩn về trại giống, chưa áp dụng tiêu chuẩn VietGAP… Nguyên nhân tiếp là hoạt động kiểm dịch còn nhiều khó khăn như thiếu thiết bị xét nghiệm, tay nghề kỹ thuật viên yếu… Chỉ với hai nguyên nhân trên đã thấy để có nguồn GTS đạt chất lượng cao cho ngư dân là không hề dễ dàng.
Nhiều ý kiến cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu giao công tác xét nghiệm bệnh, kiểm dịch thủy sản, quản lý thuốc thú y cho ngành thủy sản, thay vì ngành thú y như hiện nay. Bởi lẽ, điều kiện sống, dịch bệnh, cách phòng, chống dịch, bệnh của thủy sản hoàn toàn khác động vật trên cạn.
Như trên đã nói, trên thực tế, hoạt động kiểm dịch GTS còn bất cập, nhiều trường hợp chồng chéo, nhiều trường hợp lại sơ hở. Do vậy, cần thay đổi hoạt động kiểm dịch theo hướng kiểm tra thật nghiêm ngặt điều kiện sản xuất giống nhằm nắm thật chắc tình hình giống bố mẹ; điều kiện cho đẻ, ương nuôi, phòng, trị dịch bệnh. Nếu các điều kiện trên bảo đảm theo quy định thì cấp giấy chứng nhận kiểm dịch mà không cần phải lấy mẫu xét nghiêm nữa. Chỉ khi nào có biểu hiện nghi ngờ mới lấy mẫu xét nghiệm. Như vậy vừa giảm được phiền hà, giảm công sức cho người làm công tác kiểm dịch cũng như các trại giống.
Hiện nay, vẫn còn tình trạng lưu thông GTS không đủ các điều kiện kỹ thuật, không kiểm soát được chất lượng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Mà việc kiểm tra những cơ sở, cá nhân kinh doanh giống hiện rất khó khăn, nhiều đối tượng thậm chí chưa có cả giấy phép hành nghề. Tăng cường kiểm soát công tác lưu thông, có cả nhập khẩu GTS là vấn đề cấp bách.
Trong nuôi trồng thủy sản, giống là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong điều kiện nuôi trồng nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản diễn ra hết sức khó khăn, nhiều rủi ro, bất trắc. Cho nên, không chỉ có triển khai thực hiện tốt Thông tư 26 mà còn quan tâm đặc biệt đến công tác kiểm dịch, lưu thông GTS.
Được biết, dự kiến trong năm 2013 này, các ngành chức năng sẽ xây dựng hệ thống hướng dẫn phòng, chống bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy trên tôm và bệnh tôm sữa trên tôm hùm. Nếu những hướng dẫn trên có tính thực tiễn cao, mang lại hiệu quả thiết thực thì quả thật, đây là tin rất vui đối với bà con ngư đân Khánh Hòa.
PHONG NGUYÊN