Thực hiện công nghiệp hóa nhưng không bỏ quên nông nghiệp là lời ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang trong chuyến thăm mới đây.
Thực hiện công nghiệp hóa nhưng không bỏ quên nông nghiệp là lời ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang trong chuyến thăm mới đây.
Suy rộng ra, lời căn dặn ấy không chỉ dành cho tỉnh Bắc Giang. Bởi, nhiều địa phương mải miết chú trọng tăng tỷ trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ mà chưa đầu tư đúng mức phát triển ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu. Cho nên, trên thực tế, ở một số nơi, đã có hiện tượng người nông dân có tâm lý không thực sự gắn bó với đồng ruộng; không chuyên tâm với công việc đồng áng.
Nguyên nhân rất dễ hiểu: Hiệu quả đem lại từ canh tác không cao, không đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Nhưng, vì sao lại như vậy?
Thời gian gần đây, chúng ta thấy giá cả đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Giá điện tăng. Giá xăng dầu tăng. Giá cước vận tải tăng… Trong khi đó, ngay cả khi Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo, giá lúa vẫn không mấy chuyển biến theo hướng có lợi cho người nông dân. Giá cả vật tư cao, chi phí đầu vào tăng trong khi đầu ra sản phẩm phập phù, giá cả thường xuyên diễn biến theo cách “được mùa - rớt giá”… là những khó khăn thường trực người nông dân phải đối mặt.
Mà, ai cũng biết rằng, người làm ruộng chi tiêu từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc học hành, chữa bệnh, lễ tiết… tất tần tật đều trông chờ vào… lúa.
Chúng ta đang triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh xây dựng nông thôn mới (NTM), với mục tiêu chung: Kinh tế phát triển; đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phát triển phù hợp; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị được tăng cường; an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Suy cho cùng, mục tiêu tối thượng của công cuộc xây dựng NTM chính là nâng cao chất lượng sống cho các tầng lớp nhân dân vùng nông thôn.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo điều kiện thuận để nhà nông gắn bó với ruộng đồng được đặt ra một cách cấp bách.
Có một số giải pháp được quan tâm như: Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kênh mương, giao thông nội đồng; tăng cường hỗ trợ giống, kinh phí mua vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật cho sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả; có chính sách đầu tư phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí sản xuất…
Làm thế nào để người nông dân sống no đủ trên chính mảnh ruộng của mình là một vấn đề cần có hướng mở, bằng những chính sách, những cơ chế cụ thể, thiết thực.
Ông cha ta có dạy: Đất không phụ người.
PHONG NGUYÊN