07:08, 09/08/2013

Chuyện bảo tồn

Ắt hẳn, nhiều người trong chúng ta biết đến những dòng tâm tình về cây đàn chapi khôn nguôi day dứt của nhạc sĩ Trần Tiến: “Ở nơi ấy, họ đang sống cuộc sống yên bình/Ai nghèo cũng có cây đàn chapi/Khi rung lên vài sợi dây, đàn đã đong đầy hồn người Raglai”…

Ắt hẳn, nhiều người trong chúng ta biết đến những dòng tâm tình về cây đàn chapi khôn nguôi day dứt của nhạc sĩ Trần Tiến: “Ở nơi ấy, họ đang sống cuộc sống yên bình/Ai nghèo cũng có cây đàn chapi/Khi rung lên vài sợi dây, đàn đã đong đầy hồn người Raglai”…


Đàn chapi chở nặng tiếng lòng người Raglai, nhân lên những niềm vui, chia vợi bao nỗi buồn. Chapi là tiếng của nứa tre; tiếng của ông bà linh hiển, của rừng thiêng màu nhiệm, gắn bó với đời sống người Raglai từ nhiều thế hệ.


Tại Khánh Hòa, người Raglai sinh sống chủ yếu ở hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Nhưng, đến nay, cả huyện Khánh Vĩnh chỉ còn vài người biết chơi đàn chapi; và đau lòng hơn là không còn ai làm được đàn chapi nữa. Chỉ còn có mỗi Khánh Sơn. Mà Khánh Sơn cũng chỉ còn có mỗi ama Mấu Xuân Điệp là người duy nhất còn chơi được đầy đủ các làn điệu của đàn chapi và cũng là người duy nhất còn làm ra được cây đàn chapi. Lớp con cháu người Raglai giờ không còn yêu đàn chapi như trước, thậm chí có em còn không bết chapi là gì nữa.


Cho nên, nhìn cây chapi của ama Điệp, ai cũng chạnh lòng. Nó vẫn hát, về một thời quá vãng vàng son, đầy đam mê và tiếc nuối; và về một ngày mai vô định, với bao nỗi day dứt, xót đau. Nói dại, mai này, khi ama Điệp đi về với thần linh, cây đàn chắc chắn sẽ trở nên cô độc khôn cùng. Sẽ không còn ai rung lên những sợi tơ lòng nhiều trắc ẩn của người Raglai trên cây đàn chapi nữa. Ngày ấy, không còn xa. Bởi ama đã già yếu rồi, tuổi trời như bóng trăng qua núi. Cây đàn chapi trong nhà ama Điệp rồi sẽ dần chìm lấp trong những lớp bụi thời gian nghiệt ngã, vô tình và trong sự hờ hững của chính những người hằng gắn bó, yêu thương nó.


Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Sơn Phạm Văn Hợp, công việc khôi phục, bảo tồn cây đàn chapi gặp rất nhiều khó khăn, về con người, kinh phí… Tuy nhiên, cái khó trước hết và lâu dài là ngay chính người Raglai hiện giờ cũng không mấy mặn mà với cây đàn chapi nữa. Nói vậy có nghĩa là cần phải có những hoạt động hết sức thiết thực khơi dậy tình yêu chapi trong cả cộng đồng người Raglai, chẳng hạn như đưa vào nhà trường, hoạt động ngoại khóa, các hoạt động đoàn thể, địa phương, giao lưu, biểu diễn, lễ hội… Và, nói vậy cũng có nghĩa là để khôi phục, bảo tồn đàn chapi nói riêng, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai nói chung, chỉ có mỗi ngành văn hóa là chưa đủ mà phải có sự chuyển biến nhận thức, sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng.


Nên chăng, ở những địa phương miền núi như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, huyện cần xây dựng và triển khai thực hiện quyết liệt những nghị quyết chuyên đề về bảo tồn văn hóa truyền thống. Bởi, có vậy mới tạo được cơ chế, nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện; tạo được nguồn lực, thu hút được nhiều thành phần cộng đồng tham gia.


Những nghệ nhân dân gian có “vốn” văn hóa truyền thống ở Khánh Sơn như Mấu Quốc Tiến, Mấu Xuân Điệp không còn nhiều. Và họ cũng đã già, đã yếu.


PHONG NGUYÊN