11:07, 25/07/2013

Người có công

Đã 66 năm qua, lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất mới mẻ: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”.

Đã 66 năm qua, lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất mới mẻ: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”.


Thời gian qua, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, với nhiều nội dung, bao gồm nhiều mặt đời sống xã hội. Và việc hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi thể hiện trách nhiệm và tình cảm của Đảng và Nhà nước ta đối với người có công và đối với các gia đình chính sách.


Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều nội dung trong hệ thống này cần được nghiên cứu để có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.


Có một cụ già hỏi: “Tôi tham gia hai cuộc kháng chiến, có hai huy chương hạng nhất. Với hai huy chương này, tôi chỉ nhận được trợ cấp một lần. Trong khi đó, có người chỉ với một huân chương, dù đó là hạng ba, thì vẫn được hưởng trợ cấp hàng tháng. Tôi thấy như vậy là chưa thật hợp lý, hướng tới có thay đổi gì không?” Câu hỏi của bà cụ làm chúng ta phải suy nghĩ. Rõ ràng, chính sách có quy định như vậy thật. Nhưng, thực tế hiện nay, những trường hợp được tặng thưởng huy chương như bà cụ còn lại không nhiều, và con số này ít đi một cách nhanh chóng do các cụ tuổi đã cao, sức đã yếu. Có chính sách động viên kịp thời những trường hợp như bà cụ là điều hết sức cần thiết.


Vấn đề nữa là việc xem xét, xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh diện tồn sót đến nay đang làm hồ sơ đề nghị có rất nhiều khó khăn vướng mắc về thủ tục, chẳng hạn như giấy tờ, nhân chứng. Nhiều trường hợp đi qua chiến tranh ác liệt nên giấy tờ bị thất lạc, các nhân chứng có liên quan đã hy sinh nên không xác nhận được. Hậu quả là còn không ít người có công chưa được hưởng đầy đủ chế độ đãi ngộ của Nhà nước.


Cho nên, tiến hành rà soát các nhóm đối tượng người có công; tiếp tục giải quyết một cách rốt ráo các tồn đọng chính sách trong chiến tranh theo quy định hiện hành vẫn là một công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ. Bởi, ai cũng biết rằng, thực hiện không tốt chế độ ưu đãi dành cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách không chỉ làm thiệt hại ngân sách mà còn gây mất niềm tin trong nhân dân.


Theo những người thực hiện chế độ, chính sách cho người có công, hiện nay, hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công chưa đồng bộ, thống nhất; nhiều quy định chưa thật phù hợp, có nội dung quá đóng, gây khó khăn cho đối tượng; lại có nội dung quá mở, tạo kẽ hở cho phần tử xấu lợi dụng.


Những cố gắng của chúng ta trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công đã mang lại hiệu quả thiết thực. Một mặt thể hiện được truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc; mặt khác tạo được niềm tin trong cộng đồng xã hội; tạo động lực quan trọng thu hút các tầng lớp nhân dân đoàn kết học tập, lao động và chiến đấu.


Xuất phát từ tầm quan trọng như vậy, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách cần được làm thường xuyên, liên tục.


PHONG NGUYÊN