12:07, 19/07/2013

Học từ một câu nói!

Theo dõi các cuộc trả lời báo giới Việt Nam của ông Arsene Wenger - Huấn luyện viên trưởng đội bóng Arsenal vài ngày trước, người ta chú ý đến một câu nói của ông: Việt Nam hãy quan tâm đầu tư cho bóng đá trẻ!

Theo dõi các cuộc trả lời báo giới Việt Nam của ông Arsene Wenger - Huấn luyện viên trưởng đội bóng Arsenal vài ngày trước, người ta chú ý đến một câu nói của ông: Việt Nam hãy quan tâm đầu tư cho bóng đá trẻ! Đó không chỉ là câu phát biểu trước báo giới mà còn là một lời khuyên chân thành, bởi những ai yêu mến đội bóng này đều biết đây chính là chiến lược của ông Wenger khi đến với đội bóng nước Anh năm 1996. Trong 17 năm ấy, ông vẫn trung thành và tin tưởng vào con đường mình đã chọn, đó là tìm kiếm và đào tạo nên những cầu thủ trẻ xuất sắc, hết lứa này đến lứa khác cho câu lạc bộ và rộng hơn là thế giới. Và cho đến nay, ông đã làm rất tốt công việc ấy mà giới bóng đá đều phải thừa nhận.


Vậy nên, khi người ta cho rằng, bóng đá Việt Nam sẽ học được nhiều điều từ trận giao hữu với Arsenal vào tối 17-7 thì cũng cần xem lại. Thực chất, cái họ học được chỉ là cách thể hiện hình ảnh, thương hiệu của mình như cái cách thầy và trò đội bóng Arsenal đã làm, còn lại chỉ là viển vông khi đẳng cấp giữa cả hai là quá xa. Điều quan trọng cần học lại gói gọn trong một câu nói của ông Wenger - một chiến lược tầm xa cho bóng đá từ những người trẻ để phát triển bền vững. Thực tế, trong chừng mực nào đấy, Việt Nam cũng có thực hiện, nhưng không phải từ cái đầu của những nhà làm quản lý, mà hầu như là các doanh nhân yêu bóng đá bỏ tiền ra làm, như cái kiểu bầu Đức xây dựng nên Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal chẳng hạn…, vì thế hiệu quả đem lại cũng chừng mực. Những giấc mơ vàng, những chỉ tiêu ảo mà bóng đá Việt Nam hết lứa này đến lứa khác hụt hơi cũng chẳng thể chạm tới.


Mở rộng hơn, đó không chỉ là bài học dành riêng cho bóng đá mà còn cho cả ngành Thể thao Việt Nam, nơi câu chuyện đào tạo lực lượng kế thừa luôn được nhắc tới nhưng không ai chịu làm, thế nên mới có cảnh ở bộ môn nào cũng thiếu sự đầu tư, thiếu chiến lược dài hơi. Người ta vẫn luôn đặt câu hỏi ai sẽ là người thay thế tay vợt Nguyễn Tiến Minh ở bộ môn cầu lông vài năm nữa? Hay bóng bàn vẫn chỉ quẩn quanh vài cái tên đã toan về già: Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh. Những khoảng trống ấy, người ta vẫn thấy nhưng xem ra khó lấp đầy trong tư duy, trong cái cách quản lý của các nhà làm thể thao hiện nay.

B.T