Mới đây, nhằm ngăn chặn hiệu quả và xử lý kịp thời những hành vi xâm hại sự an toàn của khách du lịch, góp phần cải thiện chất lượng môi trường du lịch Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố chủ trì,.....
Mới đây, nhằm ngăn chặn hiệu quả và xử lý kịp thời những hành vi xâm hại sự an toàn của khách du lịch, góp phần cải thiện chất lượng môi trường du lịch Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành lập các trung tâm hỗ trợ khách du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đặc biệt là các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ninh… Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin khi xảy ra vụ việc du khách bị xâm hại, nhất là du khách người nước ngoài; chấn chỉnh hoạt động của các hãng taxi; nâng cấp hệ thống xe buýt phục vụ người dân và khách du lịch…
Nội dung hoạt động của các trung tâm hỗ trợ khách du lịch là gì? Đó là thông tin về điểm đến, tình hình an ninh, thời tiết hay là những địa chỉ cụ thể có thể liên lạc khi có việc cần? Như tên gọi, trung tâm hỗ trợ khách du lịch phải thể hiện được vai trò là người bạn tin cậy của khách du lịch. Ở đó, du khách được trợ giúp một cách thật sự hữu hiệu. Chẳng hạn như du khách được cung cấp danh mục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn tại các địa phương. Chẳng hạn như khi khách bị “chặt chém” trong giá phòng lưu trú, giá ăn uống sẽ được một lực lượng chức năng “ứng cứu” kịp thời.
Những nội dung nói trên, quả thật, luôn là niềm mơ ước của không chỉ khách du lịch mà ngay cả đối với những địa phương làm du lịch. Bởi nếu địa phương nào làm được những điều ấy có nghĩa là đã và đang xây dựng được một môi trường du lịch khá tiện nghi và an toàn. Nhưng, để làm được những điều ấy, có dễ không? Rõ ràng là không.
Thứ nhất, các trung tâm này phải có một hình thức hoạt động thật sự phù hợp với thực tiễn môi trường du lịch tại địa phương. Làm thế nào đó để du khách có thể được hỗ trợ một cách kịp thời nhất, hiệu quả nhất.
Thứ hai, nội dung hoạt động phải cụ thể, thiết thực, gắn chặt với định hướng phát triển ngắn cũng như dài hạn của ngành Du lịch địa phương.
Thứ ba, cần có những người thật sự có tâm huyết, có trách nhiệm với ngành, với công việc hỗ trợ.
Việc đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát du lịch cũng là một trong những nét mới của phát triển du lịch. Song song đó là việc tăng cường hơn nữa hoạt động tuần tra, kiểm soát của các đội đặc nhiệm hình sự.
Riêng về kiểm tra, lâu nay, chúng ta thường thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện vào thời điểm lễ hội, ngày lễ, Tết, tháng cao điểm theo cách “tiền hô hậu ủng”. Điều ấy là cần thiết. Nhưng, để hiệu quả hơn, công tác kiểm tra không nên dừng ở những dịp như vậy mà phải làm thường xuyên, liên tục, với những hình thức, phương thức linh động và sâu sát. Ai cũng biết rằng, không khó để có thể bắt quả tang một khách sạn “chặt chém” giá phòng.
Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nói trên nhằm từng bước đem lại niềm tin tưởng cho du khách về sự tiện nghi và an toàn của du lịch địa phương. Hoạt động của trung tâm hỗ trợ khách du lịch cũng không nằm ngoài mục đích ấy.
Vấn đề còn lại là làm thế nào để công việc hỗ trợ thật sự có hiệu quả, không hình thức.
PHONG NGUYÊN