Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đến hết tháng 6, số lượng đường tồn kho trong các doanh nghiệp thuộc hiệp hội đã lên đến hơn 500.000 tấn, chưa kể lượng đường tồn trong các doanh nghiệp thương mại. Đây là mức tồn kho lớn nhất từ trước đến nay.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đến hết tháng 6, số lượng đường tồn kho trong các doanh nghiệp (DN) thuộc hiệp hội đã lên đến hơn 500.000 tấn, chưa kể lượng đường tồn trong các DN thương mại. Đây là mức tồn kho lớn nhất từ trước đến nay.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo các chuyên gia ngành mía đường, là do hoạt động xuất khẩu đường sang Trung Quốc (nơi đang thiếu đường trầm trọng) không đạt kế hoạch. Đến hết tháng 6, cả nước mới xuất khẩu được 80.000 tấn, trong khi Bộ Công Thương phê duyệt xuất 200.000 tấn trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6.
Còn theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ đường 2013 cả nước đạt 1,5 triệu tấn, thừa hơn 300.000 tấn so với nhu cầu (chưa kể lượng đường sẽ nhập khẩu năm nay theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam). Đường tồn kho ngoài lý do sản xuất cung vượt cầu, còn có sự góp mặt của đường lậu từ Thái Lan, Campuchia. Với giá bán thấp hơn giá trong nước (chỉ 13.500 - 14.000 đồng/kg), đường nhập lậu đang lũng đoạn thị trường, khiến cho việc tiêu thụ đường trong nước càng thêm khó khăn.
Tại Khánh Hòa, đường ứ đọng với số lượng hàng chục ngàn tấn cũng đang gây nhiều trở ngại cho các DN. Vụ mía vừa qua, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa thu mua 625.000 tấn mía và đã sản xuất ra 61.000 tấn đường. Việc tiêu thụ đường không thuận lợi nên đến nay, DN tồn kho 25.000 tấn, chiếm 41% trên tổng sản lượng, giá trị tồn kho lên tới 350 tỷ đồng. Còn nếu tính thêm số lượng đường tồn kho của Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa thì đến thời điểm này, lượng đường tồn kho của 2 doanh nghiệp mía đường lớn nhất tỉnh ước khoảng 85.000 tấn.
Điều đáng mừng là tuy việc tiêu thụ đường khó khăn nhưng các nhà máy đường trong tỉnh vẫn cố gắng đảm bảo thu mua nguyên liệu mía cho nông dân theo hợp đồng đã ký kết, đồng thời thu mua với mức giá cao hơn quy định để người trồng mía có lãi. Tuy nhiên, việc làm này sẽ không kéo dài được lâu nếu không có sự trợ giúp từ các chính sách của Nhà nước cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Lãnh đạo một DN mía đường chia sẻ, nỗi lo lớn nhất của DN hiện nay là nếu không giải quyết được hàng tồn kho thì sẽ khó duy trì được giá thu mua mía có lãi cho nông dân. Giá thu mua mía thấp sẽ làm giảm thu nhập của người nông dân, khiến họ không mặn mà trồng mía mới, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu mía cho vụ sau.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ, hiện các nhà máy đường đang triển khai nhiều giải pháp, năng động tìm kiếm khách hàng, đưa ra nhiều chính sách giá ưu đãi, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ một mình DN nỗ lực chưa đủ. Theo VSSA, nhu cầu đường trong nước vào mùa hè đã bắt đầu tăng cao và việc xuất khẩu đường sang Trung Quốc vẫn tiếp tục là kỳ vọng làm tăng sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, cũng theo VSSA, việc làm khẩn thiết nhất hiện nay là phải chống cho được việc nhập lậu đường (ước tính mỗi năm có khoảng 400.000 tấn đường nhập lậu vào Việt Nam, chiếm hơn 30% lượng tiêu thụ đường nội địa). Và để làm được việc này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.
Ngọc Khánh