Trong khuôn khổ chương trình Festival Biển 2013, tại Nha Trang, Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung và UBND tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung”.
Trong khuôn khổ chương trình Festival Biển 2013, tại Nha Trang, Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung (DHMT) và UBND tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh DHMT”.
Hội thảo thống nhất đánh giá, vùng DHMT đã và đang trở thành một tọa độ du lịch độc đáo. Thừa Thiên Huế có du lịch văn hóa. Đà Nẵng có du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao. Quảng Nam có du lịch tham quan di sản văn hóa.
Quảng Ngãi có du lịch biển đảo phối hợp với tham quan các di tích lịch sử. Bình Định có du lịch biển, văn hóa lịch sử. Phú Yên có du lịch văn hóa lễ hội, tham quan. Khánh Hòa có du lịch biển, đảo. Ninh Thuận có du lịch khám phá văn hóa Chăm. Bình Thuận có du lịch biển và những trò chơi trên biển.
Từng địa phương có thế mạnh như vậy. Làm sao để tập hợp, phát huy được tất cả những thế mạnh ấy trong một sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của cả vùng là câu chuyện được đặt ra khá bức thiết.
Trong những năm gần đây, các tỉnh DHMT đã có nhiều cố gắng trong liên kết phát triển du lịch. Một trong những sản phẩm liên kết có hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của du khách là sản phẩm “Con đường di sản”, kết nối 3 địa phương trong vùng gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Mặc dù vẫn phải chăm chút nhiều hơn nữa về nội dung và hình thức, đây vẫn là một trong những ví dụ sinh động về tính hiệu quả trong liên kết phát triển du lịch.
Tuy nhiên, có điều dễ thấy là thời gian qua, sự phối hợp, liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn nặng hình thức, chưa thật sự chặt chẽ, sâu sắc, hiệu quả nên sản phẩm du lịch manh mún, chưa có một sản phẩm mang tính đặc trưng của toàn vùng. Điều đặc biệt quan trọng là cả vùng chưa xây dựng được một định hướng phát triển du lịch tổng thể, có chiều sâu nhằm từng bước phát triển ngành kinh tế du lịch vùng DHMT theo hướng đẳng cấp cao và có sức lan tỏa lớn. Mà muốn có đẳng cấp cao, sức lan tỏa lớn, những sản phẩm du lịch không chỉ mang dấu ấn đặc trưng của từng địa phương, của vùng miền mà còn phải đạt những tiêu chuẩn cần thiết của quốc tế.
Về lâu về dài, các tỉnh DHMT cần có một chiến lược cụ thể. Điều cần kíp là sớm kiến nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng DHMT đến năm 2020, tầm nhìn 2030; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi ở mức cao nhằm khuyến khích đầu tư, nhất là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ du lịch.
Giải pháp trước hết trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng DHMT được Hội thảo xác định là các tỉnh tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình du lịch, phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù được xem là thế mạnh của vùng. Song, chỉ nói vậy thì chung chung quá. Liên kết thế nào, trách nhiệm và quyền lợi của từng địa phương ra sao, nội dung liên kết gồm những gì… là những câu hỏi cần được giải quyết thỏa đáng trong quá trình thực hiện liên kết.
Sản phẩm du lịch đặc thù của cả vùng DHMT là gì? Đây là câu hỏi khó, rất khó. Để có câu trả lời thật sự thỏa đáng, có lẽ, các tỉnh thành trong khu vực còn phải bàn bạc thảo luận nhiều, để có sự đồng thuận cao, cùng hướng tới mục tiêu phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng và sức mạnh liên kết để phát triển bền vững.
PHONG NGUYÊN