Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa có thư gửi Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn yêu cầu HĐND các địa phương tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một cách dân chủ, minh bạch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa có thư gửi Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn yêu cầu HĐND các địa phương tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một cách dân chủ, minh bạch.
Theo đó, các địa phương phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ để từng đại biểu HĐND nắm chắc mục đích, yêu cầu, nội dung, trình tự, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và Phiếu tín nhiệm hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm đại biểu nhận thức sâu sắc trách nhiệm thay mặt nhân dân địa phương thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm đối với các vị được HĐND bầu một cách thật dân chủ, khách quan, thận trọng, công tâm và chính xác. HĐND phải tổ chức thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện các báo cáo của UBND và các cơ quan hữu quan về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp… của địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là rất hệ trọng và có ý nghĩa trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới hoạt động của các cơ quan dân cử; được nhân dân mong đợi, tin tưởng.
Có thể thấy, tương tự như ở Quốc hội, đây là lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND. Làm thế nào để công việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra theo đúng quy trình, nội dung, trình tự, thủ tục cũng như làm sao để các đại biểu HĐND có đủ thông tin để ghi phiếu đánh giá tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm một cách chính xác đang là những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Kèm theo đó là việc công bố công khai, đầy đủ, chính xác, kịp thời kết quả lấy phiếu tín nhiệm để công luận, cử tri và nhân dân địa phương theo dõi, giám sát.
Do làm lần đầu nên, việc lấy phiếu tín nhiệm chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Song song với việc từng bước hoàn thiện các bước, các quy trình, thủ tục là việc không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự công tâm của những người thực hiện trong suốt quá trình thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.
Nhiều người dân tin tưởng rằng việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ làm cho cán bộ tốt hơn lên. Điều ấy đúng. Bởi đặt trong điều kiện được giám sát chặt chẽ, được “chấm điểm” cụ thể, người cán bộ càng phải cố gắng trong công việc, trong trau dồi tư tưởng, đạo đức. Song, làm thế nào để người “chấm điểm” có thông tin thật nhiều, thật chính xác về người được “chấm điểm” cũng là câu chuyện cần bàn. Phải bằng nhiều kênh mới có được nhiều thông tin để người “chấm điểm” có thể tự tin rằng mình đã làm đúng trách nhiệm. Không chỉ vậy, vai trò theo dõi, giám sát của cử tri, của người dân ở đây cần được phát huy ở mức cao. Cho nên, cũng có thể nói rằng, người “chấm điểm” cuối cùng vẫn là cử tri, vẫn là các tầng lớp nhân dân.
Khi có tham gia, có nắm bắt, theo dõi, giám sát quá trình lấy phiếu tín nhiệm, người dân sẽ có cơ sở tốt hơn để tin tưởng vào kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Có vậy, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm mới thực sự có ý nghĩa.
Về phía đội ngũ cán bộ, việc lấy phiếu tín nhiệm giống như chiếc gương phản chiếu, khiến mỗi người phải luôn tự suy ngẫm nhiều hơn về tinh thần trách nhiệm, về bổn phận, thái độ phục vụ của minh đối với công việc, đối với nhân dân.
PHONG NGUYÊN