11:06, 23/06/2013

Nợ

Một trong những khoản nợ dai dẳng làm đau đầu nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người hiện nay, đó là nợ bảo hiểm xã hội.

Một trong những khoản nợ dai dẳng làm đau đầu nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người hiện nay, đó là nợ bảo hiểm xã hội (BHXH).


Số liệu của BHXH Khánh Hòa cho biết, tính đến cuối tháng 5-2013, toàn tỉnh có 899 đơn vị nợ BHXH từ 1 tháng trở lên với số tiền hơn 56,3 tỷ đồng. So với tháng 4, số đơn vị nợ BHXH tăng 65 đơn vị với số tiền 94 triệu đồng. Trong số các đơn vị nợ BHXH, có 243 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên, tăng 26 đơn vị so với tháng 4, tương ứng số tiền nợ hơn 40,6 tỷ đồng. Các đơn vị thuộc Tập đoàn Vinashin là những đơn vị có số nợ BHXH tăng nhanh hàng tháng. Tính đến cuối tháng 5-2013, các đơn vị này nợ BHXH 9,8 tỷ đồng, tăng 309 triệu đồng so với tháng 4. Một số đơn vị có số nợ lớn như: Công ty TNHH Quảng cáo Tân Vinh, Công ty TNHH Phương Long Bình, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 505, 510, Công ty TNHH Thủy sản Vân Như, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu lâm sản Nha Trang, Xí nghiệp Đo đạc bản đồ địa hình nông nghiệp, Công ty TNHH Thực phẩm Sakura...


Đến cuối tháng 5-2013, BHXH Khánh Hòa đã khởi kiện 47 đơn vị nợ BHXH ra Tòa. Một số đơn vị đã hòa giải thành công, một số đơn vị chuyển sang thi hành án, thu được tiền nợ. Tuy nhiên, tiến độ xử lý của các cơ quan chức năng còn chậm nên việc trả nợ của các đơn vị này không khả quan.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ BHXH. Do kinh tế thế giới, trong nước đang ở giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả. Do nhận thức của chủ DN chưa tốt, chưa thấy được ý nghĩa, trách nhiệm cũng như tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách BHXH. Do sự chây ỳ, tính toán thiệt hơn của chủ DN giữa việc đóng BHXH với việc chấp nhận xử phạt hoặc gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất… Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào thì cuối cùng người lao động vẫn là đối tượng phải gánh chịu hậu quả. Đây cũng là lý do giải thích vì sao thời gian qua đã có những cuộc đình công, lãn công của người lao động liên quan đến chế độ BHXH, lương, thưởng…


Để giải quyết tình trạng nợ BHXH, thời gian qua, BHXH Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp như: Kiến nghị UBND tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành thu nợ; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, thu hồi nợ; đăng báo danh sách các đơn vị nợ đọng BHXH từ 6 tháng trở lên; khởi kiện ra Tòa một số đơn vị... Tuy nhiên, trong việc đòi nợ BHXH, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của ngành BHXH, công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về Luật BHXH cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhằm giúp người dân và DN nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình khi chấp hành đầy đủ pháp luật về BHXH. Có như vậy, việc thực hiện Luật BHXH mới đi vào nề nếp và phát huy được hiệu quả là một chính sách an sinh xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động.


Ngọc Khánh