Mọi năm, cứ thấy đồng nghiệp đăng ký đi Trường Sa vào dịp tháng 4 và cuối năm, lại ngỡ mỗi năm các cấp chính quyền trong cả nước chỉ tổ chức 2 chuyến ra quần đảo thiêng liêng ấy.
Mọi năm, cứ thấy đồng nghiệp đăng ký đi Trường Sa vào dịp tháng 4 và cuối năm, lại ngỡ mỗi năm các cấp chính quyền trong cả nước chỉ tổ chức 2 chuyến ra quần đảo thiêng liêng ấy. Hóa ra không phải thế. Từ đầu năm đến nay, đếm sơ sơ cũng có đến gần chục chuyến tàu từ đất liền ra đảo xa. Riêng đồng nghiệp của mình cũng có đến 5 người được ra đảo, ngay trong tháng 6 này đã có 2 người rẽ 2 làn sóng nước khác nhau hướng về các đảo nổi, đảo chìm. Không chỉ là những chuyến thăm, giao quân như thường lệ, mà còn có những chuyến tàu đưa thân nhân các cán bộ, chiến sĩ đang công tác ngoài đảo, rồi thì các đoàn nghệ thuật ra biểu diễn, mới nhất là đoàn nghệ sĩ gồm nhiều tên tuổi lớn của TP. Hồ Chí Minh lên đường vượt sóng ra đảo. Thì ra, bây giờ mới biết lại có tháng hưởng ứng về Trường Sa thân yêu.
Cả nước lại cùng đồng lòng hướng về biển đảo tiền tiêu. Những chuyến tàu này cứ tiếp nối chuyến tàu kia, mang tới những niềm vui lớn và bất ngờ đến cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm giữ biển trời Tổ quốc. Để rồi, đằng sau đó là những bài báo, bức ảnh thấm đẫm những giọt nước mắt của hạnh phúc hay tay bắt mặt mừng; là những câu chuyện cảm động được chuyển tải về đất liền. Nó có khác chi là những câu chuyện kể chân thực nhất về cuộc sống, tình cảm và cả sức sống mãnh liệt được viết nên bởi những chứng nhân. Ở đó, người ta cảm nhận được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, bình dị của cán bộ, chiến sĩ khi đón đoàn người từ đất liền ra; cảm nhận được giọt nước mắt ấm nồng của những thân nhân vượt sóng ra đảo gặp người thân; và còn là cả cái tình chia sẻ gửi gắm của tác giả.
Làm báo tròn trèm cũng gần chục năm, đọc nhiều bài viết về Trường Sa trên báo bạn, báo mình, lại nghiệm ra cho riêng mình rằng, hóa ra bài báo có sức lay động nhất lại là bài khiến mình… nổi cả da gà. Đó là khi đọc một bài viết về lễ tưởng niệm trên biển các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở quần đảo này của nhà báo Lê Bá Dương cách đây đã nhiều năm, và sau này của một đồng nghiệp nữ. Đọc đến đâu, cứ thấy người run lên đến đó, như thấm vào mình, và rồi là niềm cảm phục đối với tác giả bài viết.
Đôi khi, đọc và cảm những con chữ viết về quần đảo ấy cũng là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của riêng mình. Và rồi lại mong có thêm nhiều người có cùng sự rung cảm ấy, cũng là thêm tình yêu với biển đảo quê hương.
B.T