10:06, 21/06/2013

Nghèo đa chiều

Kết luận Hội thảo “Nghèo đa chiều” vừa được tổ chức tại Nha Trang trong hai ngày 15 và 16-6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, ngành sẽ sớm kiến nghị Chính phủ xây dựng đề án tiếp cận khái niệm nghèo theo hướng đa chiều; ....

Kết luận Hội thảo “Nghèo đa chiều” vừa được tổ chức tại Nha Trang trong hai ngày 15 và 16-6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, ngành sẽ sớm kiến nghị Chính phủ xây dựng đề án tiếp cận khái niệm nghèo theo hướng đa chiều; hướng tới xây dựng bộ chuẩn tiêu chí nghèo đa chiều; rà soát cơ chế, chính sách nhằm thực hiện giảm nghèo theo hướng đa chiều.


Lâu nay, chúng ta tiếp cận nghèo theo hướng đơn chiều, lấy chuẩn nghèo bằng thu nhập hoặc chi tiêu trung bình tính trên từng người làm cơ sở. Vì vậy, các chính sách trợ giúp giảm nghèo chưa giải quyết được nhiều nhu cầu thiết yếu của người nghèo. Theo hướng mới, người nghèo được tiếp cận theo hướng đa chiều, có nghĩa là không chỉ có mức thu nhập bình quân dưới chuẩn nghèo mà còn thiếu hụt ít nhất một trong những nhu cầu xã hội như giáo dục, y tế, an sinh xa hội, nhà ở, dịch vụ cơ bản tại nơi ở, lương thực thực phẩm…


Hiện nay, ở nhiều đô thị lớn trên thế giới, bức tranh toàn diện về tình trạng nghèo được xây dựng với nhiều chiều đói nghèo là thu nhập, giáo dục, y tế, tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, chất lượng và diện tích nhà ở, dịch vụ nhà ở, tham gia các hoạt động xã hội, an toàn xã hội. Đây chính là chỉ số nghèo đa chiều - chỉ số mới được Liên hợp quốc sử dụng trong Báo cáo Phát triển con người từ năm 2010.


Như vậy, có thể thấy, công tác giảm nghèo nếu chỉ dựa trên tiêu chí thu nhập/chi tiêu là chưa đủ. Bởi trên thực tế, nếu đánh giá nghèo đơn chiều theo thu nhập, nhiều địa phương không còn hộ nghèo, theo cả chuẩn nghèo quốc gia lẫn địa phương. Nhưng, nhiều người dân tuy đã thoát nghèo theo các tiêu chuẩn vẫn thiếu thốn rất nhiều những nhu cầu cần thiết so với mức phát triển chung của cộng đồng. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề chất lượng bền vững trong giảm nghèo trong thời gian tới, đòi hỏi phải có phương pháp tiếp cận đa ngành, trong đó, tình trạng nghèo đói phải được xem như một hiện tượng đa chiều, không chỉ có mỗi nghèo về thu nhập, chi tiêu.


Có một cách nhìn, cách hiểu và cách làm khác để các chính sách về giảm nghèo đến được với người dân một cách chính xác hơn, đầy đủ hơn đang là câu chuyện được nhiều người quan tâm. Có nhận thức mới, có tầm nhìn mới, sẽ có được những cơ chế, chính sách mới phù hợp hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn trong cách giúp người dân từng bước nâng cao mức sống, trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Tất nhiên, khi ấy, công cuộc giảm nghèo sẽ có rất nhiều áp lực, tỷ lệ thuận theo những tiêu chí mới dặt ra.


Tỉnh Khánh Hòa đã rất nhiều lần nâng mức chuẩn nghèo của địa phương cao hơn mức chuẩn chung của cả nước. Điều đó thể hiện quyết tâm rất cao của tỉnh trong công cuộc nâng cao mức sống của người dân. “Nghèo đa chiều” gợi cho Khánh Hòa một cách tiếp cận mới, một cách làm mới, theo hướng có lợi cho người nghèo, và cũng có lợi theo hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Ông cha ta có câu: “Ăn no, mặc ấm”.


Có lẽ, chúng ta, trên cơ sở đó, nâng lên thành: “Ăn ngon, mặc đẹp”.


PHONG NGUYÊN