07:05, 10/05/2013

Người phát ngôn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin (CCTT) cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành.


Theo đó, người phát ngôn (NPN) và CCTT cho báo chí của cơ quan hành chính Nhà nước (CQHCNN) gồm người đứng đầu CQHCNN; người được người đứng đầu CQHCNN giao nhiệm vụ phát ngôn và CCTT cho báo chí thường xuyên (NPN); trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu CQHCNN có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn (người được ủy quyền phát ngôn) hoặc phối hợp cùng NPN để phát ngôn hoặc CCTT cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.


So với trước đây, ngoài người được giao nhiệm vụ là NPN, và người đứng đầu còn có thêm người được ủy quyền để phối hợp cùng NPN. Ngoài những NPN nêu trên, quy chế nêu rõ, các cá nhân của CQHCNN được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được nhân danh CQHCNN để phát ngôn, CCTT báo chí và chịu trách nhiệm trước phát luật về nội dung thông tin đã cung cấp.


 Như vậy, báo chí có thể sử dụng thông tin của tất cả các cá nhân thuộc CQHCNN. Khác nhau ở chỗ, nếu cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà NPN, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó. Còn đăng thông tin của các cá nhân khác thì chính cơ quan báo chí và người CCTT chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, cơ quan báo chí phải thực sự có bản lĩnh để vừa bảo đảm nội dung tuyên truyền lại vừa bảo vệ được nguồn tin của mình.


Quy chế có đưa ra các quy định khung về xử lý vi phạm trong công tác phát ngôn, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nhưng, để xác định tính chất, mức độ vi phạm… là không hề dễ. Cạnh đó, quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo công tác phát ngôn trong CQHC thuộc quyền quản lý của mình cũng như trách nhiệm đối với các nội dung phát ngôn, kể cả phát ngôn của NPN thường xuyên và người được ủy quyền phát ngôn.


   Trên thực tế, hiện nay công tác phát ngôn ở các sở, ban ngành, địa phương trực thuộc tỉnh còn rất nhiều vướng mắc, kém hiệu quả. NPN nhiều khi là trưởng một phòng, ban trong CQHC, không bao quát được tình hình toàn cơ quan; không có hiểu biết nhất định về báo chí, các quy định của pháp luật về báo chí… nên nội dung phát ngôn rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu thông tin. “Anh thông cảm, vấn đề này để em xin ý kiến sếp đã!” là câu trả lời mà phóng viên thường được nghe từ phía NPN. Vậy nhưng, khi gặp người đứng đầu, phóng viên cũng đã phải thường xuyên nghe câu trả lời: “Anh thông cảm, tôi bận nhiều việc quá, xin làm việc với NPN”! Rõ ràng, ở đây, sự ràng buộc về trách nhiệm phát ngôn chưa thật sự chặt chẽ. “Quả bóng” phát ngôn cứ được chuyền đi chuyền lại như vậy, trong khi báo chí sốt ruột, cần kíp những thông tin chính thống từ phía CQHCNN. Mà, ai cũng biết rằng, địa phương nào, đơn vị nào càng sớm có thông tin chính thống cho báo chí thì công tác tuyên truyền càng có hiệu quả.


 Mở rộng đối tượng phát ngôn; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu về phát ngôn; quy định mức phạt khi vi phạm… trong quy định mới thể hiện sự cố gắng của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng công tác phát ngôn, CCTT cho báo chí.


Vấn đề còn lại là từng địa phương, đơn vị phải sớm có các giải pháp cụ thể, hiệu quả trong việc nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của NPN cũng như đề cao lương tâm, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phát ngôn; chỉ đạo phát ngôn.


PHONG NGUYÊN