Phần lớn người tiêu dùng đều quan niệm mũ bảo hiểm có dán tem CR nghĩa là mũ đã được kiểm định chất lượng trước khi lưu thông trên thị trường, chỉ cần mua mũ có tem CR là có thể yên tâm.
Phần lớn người tiêu dùng đều quan niệm mũ bảo hiểm (MBH) có dán tem CR nghĩa là mũ đã được kiểm định chất lượng trước khi lưu thông trên thị trường, chỉ cần mua mũ có tem CR là có thể yên tâm. Tuy nhiên, một thông tin mới đây đã khiến nhiều người không khỏi giật mình: Theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên một số lượng lớn MBH ở Việt Nam, chỉ có gần 19% MBH đạt yêu cầu về hấp thụ xung động - yếu tố ảnh hưởng tới mức độ an toàn cho người sử dụng. Kiểm nghiệm đối với MBH có dán tem CR thì chỉ có 46% là đảm bảo an toàn.
Kết quả kiểm định trên đã khiến nhiều người “té ngửa”. Vậy ra, lâu nay, nhiều người không hề biết họ đã phải đánh cược tính mạng của mình khi bỏ tiền mua chiếc mũ dỏm mà họ lầm tưởng là mũ an toàn (vì có tem CR). Con tem CR không những không thể khẳng định MBH đạt chuẩn, mà còn góp phần hợp thức hóa những chiếc MBH giả, MBH kém chất lượng để “lòe” người tiêu dùng. Khó có thể đổ lỗi người tiêu dùng không “thông thái”, bởi trong mê hồn trận MBH hiện nay, ngay cả lực lượng chức năng cũng chỉ có thể khẳng định chắc chắn mũ có an toàn hay không sau đi đem mẫu đi kiểm định.
Trước đây, chúng ta từng cho lưu hành MBH có tem CS, tem “đã kiểm định” song song với tem CR. MBH có tem CS là do doanh nghiệp tự công bố chất lượng, còn mũ có tem CR phải được cơ quan trung gian (được cấp có thẩm quyền chỉ định) chứng nhận phù hợp quy chuẩn. Việc tồn tại nhiều loại tem gây khó khăn cho công tác kiểm tra MBH nên các ngành chức năng đã thống nhất chỉ áp dụng tem CR. Thế nhưng, những bất ổn của con tem CR lại một lần nữa đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả trong biện pháp quản lý MBH của ngành chức năng.
Câu chuyện hàng thật, hàng giả có lẽ không chỉ dừng lại ở con tem CR của chiếc MBH. Trên thị trường hiện nay, rất nhiều mặt hàng khác, nhất là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người tiêu dùng như mỹ phẩm, thực phẩm, đồ chơi trẻ em... không đảm bảo chất lượng, bị làm giả, làm nhái tràn lan nhưng vẫn có cả… tem CR, tem chống giả. Để dẹp bỏ vấn nạn này, các ngành chức năng cần kiểm định hàng hóa chặt chẽ trước khi cho lưu thông ra thị trường, đồng thời quy định rõ ràng, công khai về những mẫu tem chuẩn để người tiêu dùng nhận biết. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách thường xuyên và xử lý mạnh tay đối với những trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng chứ không chỉ làm theo kiểu phong trào, chiến dịch.
T.V