07:05, 07/05/2013

Khi ngọn lửa yêu nước được tiếp nối

Ký ức hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử cách đây 38 năm; âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu… thêm một lần nữa được tái hiện trong những ngày qua thông qua những thước phim tư liệu, các bộ phim truyền hình.

Ký ức hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử cách đây 38 năm; âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu… thêm một lần nữa được tái hiện trong những ngày qua thông qua những thước phim tư liệu, các bộ phim truyền hình. VTC5 và truyền hình An ninh cùng chiếu lại Biệt động Sài Gòn; VTC 14 có Ván bài lật ngửa... Rồi những bài báo, tấm ảnh tái hiện các cuộc chiến và thời khắc lịch sử qua lời kể, ký ức của những chứng nhân. Không chỉ là ký ức được nhắc lại thêm lần nữa, mà qua đó, khán giả, độc giả còn có thêm thông tin về một thời lịch sử đấu tranh của dân tộc. Vừa xem, người lớn vừa thao thao kể lại một thời sống dưới mưa bom lửa đạn của chính mình. Cứ thế, những người trẻ lại góp nhặt thêm được nhiều điều từ các kênh thông tin đa chiều ấy. Để rồi chợt nhận ra, tất cả không phải vì lời dạy của những người đi trước rằng, thế hệ bây giờ cần phải xem những thước phim tư liệu để biết, để hiểu thời ấy ông bà, cha mẹ đã sống và chiến đấu như thế nào, mà còn nhận ra, bản thân mình sinh ra cũng là một phần từ lịch sử ấy.


Và rồi lại vui mừng nhận ra quá khứ hào hùng ấy luôn đan cài với hiện tại - một hiện tại được tiếp nối từ việc bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc trong mỗi người con đất Việt. Đó là sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Từ các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy, trên cả nước liên tục diễn ra nhiều chương trình, triễn lãm, hội thảo... liên quan đến vấn đề này. 2 hôm trước, xem ti vi, cảm xúc chợt dâng trào trước hình ảnh hàng trăm sinh viên khoác quốc kỳ xếp thành 2 chữ Việt Nam trong Hội trại “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Cái cảm giác đó hệt như cái lần chứng kiến cả ngàn đoàn viên ở thành phố biển xếp thành hình bản đồ Việt Nam năm 2011. Đó là ở Quảng Ngãi, còn tại TP. Nha Trang lại có cuộc triển lãm ảnh về Trường Sa, cuộc thi sáng tác viết về Trường Sa và biển, đảo quê hương; hội thi Thanh niên với biển đảo của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương 2. Trước đó là hội thi tuyên truyền trong đội viên, đoàn thanh niên hướng về chủ quyền biển, đảo; rồi các hoạt động hướng về Trường Sa như: tặng cờ Tổ quốc cho bộ đội Trường Sa... Mới đây nhất là thông tin về cuộc thi “Tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Tỉnh đoàn phát động (diễn ra ngày 7-5)...


Đó như là sự tiếp nối quá khứ hào hùng một thời, tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc, và người tiếp nối không ai khác chính là thế hệ trẻ. Điều đáng mừng hơn là trong các hoạt động ấy, không phải những người trẻ được giáo dục hay thắp lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, mà chính những con người ấy là những tuyên truyền viên tích cực, đưa tình yêu ấy ngày một lan tỏa hơn, sâu đậm hơn.


B.T