10:05, 12/05/2013

Động lực để phát triển khoa học công nghệ

Với mục tiêu đến năm 2020 đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học công nghệ biển, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội

Với mục tiêu đến năm 2020 đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là KHCN biển, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh, vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 13, Tỉnh ủy đã thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương về “Phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây không chỉ là tin vui đối với những người hoạt động trong lĩnh vực KHCN mà còn là tin vui đối với toàn xã hội, bởi ai cũng biết vai trò và tầm quan trọng của KHCN đối với cuộc sống con người. Điều này đã được chứng minh trên thế giới với những bước tiến vũ bão về KHCN, tiêu biểu là những tiến bộ trong nghiên cứu vũ trụ, khoa học máy tính, dược phẩm, y tế, biển, biến đổi khí hậu... Những kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực này đã góp phần đắc lực trong phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.


Ở Khánh Hòa, những năm qua, hoạt động KHCN đã có nhiều chuyển biến, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tiềm lực KHCN từng bước được nâng lên. Quản lý nhà nước về KHCN có nhiều đổi mới. Hệ thống văn bản pháp luật về KHCN được chú trọng hoàn thiện. Hợp tác vùng, trong nước và quốc tế từng bước được đẩy mạnh và chủ động hơn trong một số lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực, trình độ KH-CN trong tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung, hoạt động KHCN chưa thực sự trở thành động lực phát triển KT-XH của tỉnh. Việc huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động KHCN chưa được chú trọng; hiệu quả sử dụng, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học chưa cao, chưa huy động tốt các nguồn lực ngoài Nhà nước cho phát triển KHCN. Thị trường KHCN phát triển chậm. Việc hình thành một thị trường KHCN thực thụ còn gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp gắn kết chặt chẽ giữa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý.


Những hạn chế, yếu kém trên có nguyên nhân do cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KHCN; chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nên đầu tư nguồn lực cho KHCN chưa tương xứng. Đội ngũ cán bộ quản lý KHCN còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực chuyên môn nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và giữa tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố chưa chặt chẽ nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chậm được tháo gỡ. Chưa quan tâm gắn kết, khai thác tốt tiềm lực của các tổ chức KHCN mạnh trên địa bàn cũng như phát huy được các lợi thế, tiềm năng của tỉnh trong phát triển KHCN.


Để phát triển KHCN một cách hiệu quả, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều giải pháp như: Đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển KHCN; đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ quản lý, tổ chức, hoạt động KHCN; triển khai các định hướng nhiệm vụ KHCN chủ yếu; tăng cường tiềm lực KHCN; hình thành và phát triển thị trường KHCN...


Hy vọng, với Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển KHCN, thời gian tới, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều khởi sắc, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.


NGỌC KHÁNH