11:05, 19/05/2013

Để giáo dục là quốc sách

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về định hướng Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã có nhiều thành tựu đáng kể.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về định hướng Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh đã có nhiều thành tựu đáng kể. Quy mô GD và mạng lưới cơ sở GD-ĐT được mở rộng, đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập của con em nhân dân các địa phương với nhiều hình thức và loại hình khác nhau. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tăng về số lượng và được nâng cao dần về chất lượng. Cơ sở vật chất kỹ thuật trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, đồng bộ hóa. Chất lượng GD-ĐT ổn định và có chuyển biến từng bước. Công tác quản lý GD có nhiều đổi mới tích cực.


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh vẫn chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, việc đầu tư cho GD-ĐT chưa là đầu tư cho phát triển. Chất lượng GD-ĐT chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước và địa phương. Chất lượng GD mũi nhọn chững lại. Trình độ, năng lực nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo không đồng đều. Đội ngũ cán bộ quản lý GD các cấp chưa đồng bộ, nhiều người thiếu năng động, sáng tạo trong việc thực hiện các kế hoạch, chủ trương chung của ngành và địa phương. Cơ sở vật chất kỹ thuật trường học còn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới GD. Hiện tượng tiêu cực ở một số cấp học và một số địa phương vẫn diễn ra khá phức tạp, gây bức xúc trong xã hội và chưa được khắc phục mạnh mẽ...


Những hạn chế, yếu kém trên có phần do công tác quản lý GD các cấp trong thời gian dài chưa nhạy bén và theo kịp những đổi mới về KT-XH. Việc quy hoạch cán bộ quản lý GD còn chậm. Công tác xã hội hóa GD chưa huy động được sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội để thúc đẩy sự nghiệp GD phát triển. Việc phân cấp quản lý GD có nơi, có lúc nhận thức và thực hiện chưa tốt, thiếu thống nhất trong chỉ đạo, quản lý, làm cho một số chủ trương và nỗ lực đổi mới của ngành chưa được quán triệt, xuyên suốt trong tất cả các cấp quản lý GD. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng tiêu cực.


Để GD-ĐT trở thành quốc sách hàng đầu, góp phần đắc lực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, của đất nước, vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Kết luận số 51 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Chương trình hành động nhằm đổi mới căn bản, toàn diện công tác GD-ĐT Khánh Hòa theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Chương trình hành động cũng nêu ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để các cấp, ngành, địa phương thực hiện; trong đó chú trọng việc triển khai Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh về việc thông qua Dự án Quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2020...


Tin tưởng, với chương trình hành động của Tỉnh ủy, thời gian tới, hoạt động GD-ĐT của tỉnh sẽ có nhiều khởi sắc.


Ngọc Khánh