08:04, 01/04/2013

Kinh doanh trên lưng người khác (!)

Trên thị trường lâu nay vẫn tồn tại dai dẳng một kiểu kinh doanh mập mờ. Đó là khi thấy một sản phẩm, một doanh nghiệp nào đó ăn nên làm ra, sẽ có người “ăn theo” bằng cách tung ra sản phẩm có hình thức, mẫu mã gần như giống hệt, chỉ thay đổi một vài chi tiết, một vài chữ cái có âm na ná...

Trên thị trường lâu nay vẫn tồn tại dai dẳng một kiểu kinh doanh mập mờ. Đó là khi thấy một sản phẩm, một doanh nghiệp (DN) nào đó ăn nên làm ra, sẽ có người “ăn theo” bằng cách tung ra sản phẩm có hình thức, mẫu mã gần như giống hệt, chỉ thay đổi một vài chi tiết, một vài chữ cái có âm na ná... mà người tiêu dùng rất khó để ý. Sản phẩm càng nổi tiếng, càng bị “ăn theo” nhiều.

Yến sào là sản vật trân quí mà thiên nhiên đã ưu ái dành riêng cho Khánh Hòa. Trong những năm qua, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã tập trung nghiên cứu, phát triển nhiều dòng sản phẩm được thị trường đón nhận, càng làm nâng cao thêm giá trị truyền thống yến sào. Nhãn hiệu Sanest của Công ty được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận từ năm 2005. Các sản phẩm mang nhãn hiệu Sanest đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Nhãn hiệu Sanest được pháp luật bảo hộ và trở thành một thương hiệu, một tài sản vô hình của Công ty Yến sào Khánh Hòa.

Hiện nay, trên thị trường, Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Yến sào Gò Công (tỉnh Tiền Giang) cũng tung ra sản phẩm yến lọ “Sanest Gò Công”, mẫu mã hệt như của Yến sào Khánh Hòa và cũng dùng luôn chữ Sanest. Điều lạ là cùng một địa chỉ sản xuất ở Nha Trang, ngoài “Sanest Gò Công” còn có đến 2 công ty khác, địa chỉ kinh doanh ở tận đẩu đâu, cũng sản xuất ra 2 sản phẩm yến sào khác nữa... Có một điều gì đó bất thường ở đây.

Yến sào là sản vật chung của Khánh Hòa, nhưng các hang yến trên đảo thì là tài sản của Nhà nước, UBND tỉnh chỉ duy nhất giao cho Công ty Yến sào Khánh Hòa quản lý, khai thác. Mới đây, một công ty vừa thành lập lấy tên Công ty Yến sào Nha Trang đã xây dựng một website để quảng bá. Ngay tiêu đề “ khai thác - chế biến - phân phối yến đảo thiên nhiên” của công ty này, người trong cuộc đã hiểu là sự quảng cáo dối trá. Hơn thế, trong video clip quảng bá, Công ty này đã lấy toàn bộ hình ảnh các đảo yến, hình ảnh khai thác yến, nhà thờ tổ do cán bộ, công nhân, người lao động Công ty Yến sào Khánh Hòa đóng góp, xây dựng nên... mà không hề xin phép. Trong cuộc sống, điều tối thiểu là anh phải biết mình có cái gì, cái gì thuộc quyền sở hữu của mình để sử dụng kiếm lời.

Kiểu kinh doanh mập mờ như thế này đang là trở lực cho sự phát triển. Các DN làm ăn chân chính phải đổ bao nhiêu chất xám, tiền bạc, công sức... mới tạo dựng nên một thương hiệu. Những DN “ăn theo” không cần động não, chỉ mập mờ đánh lừa người tiêu dùng lẫn lộn với thương hiệu ấy là tọa hưởng. Kiểu kinh doanh trên mồ hôi người khác như thế cần phải được các cơ quan hữu quan kiên quyết xử l‎ý đúng quy định của pháp luật.

Nếu không, các DN làm ăn chân chính sẽ bị kiệt sức!

THỦY NGÂN