Từ nhiều năm nay, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, thuộc huyện đảo Trường Sa là địa chỉ tin cậy của ngư dân đánh bắt khơi xa trong việc thu mua sản phẩm; cung ứng nhu yếu phẩm, nước ngọt, nhiên liệu, cứu nạn, cứu hộ,.....
Từ nhiều năm nay, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, thuộc huyện đảo Trường Sa là địa chỉ tin cậy của ngư dân đánh bắt khơi xa trong việc thu mua sản phẩm; cung ứng nhu yếu phẩm, nước ngọt, nhiên liệu, cứu nạn, cứu hộ, sửa chữa tàu cũng như cấp cứu, chữa trị cho ngư dân mỗi khi bị tai nạn, đau ốm.
Ở đây, nhu yếu phẩm, nhiên liệu được bán với giá ngang bằng ở đất liền. Nước sạch sinh hoạt được cấp.
Tàu thuyền ngư dân bị hư hỏng được sửa chữa miễn phí. Trong thời gian tàu vào tránh trú bão, ngư dân được sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, giải trí. Trong năm 2012, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây tiếp nhận gần 2.000 lượt tàu thuyền ngư dân vào bán cá; mua nhu yếu phẩm cũng như trú tránh gió bão. Nhiều ngư dân cho biết, trước đây, khi tàu bị hư hỏng hoặc hết nhiên liệu, lương thực đều phải quay về đất liền, mất nhiều thời gian, công sức lại rất tốn kém. Nhờ có khu hậu cần này, ngư dân có thể bám ngư trường dài ngày hơn nên sản lượng khai thác nhiều hơn, chi phí sản xuất thấp hơn nên thu nhập cũng cao hơn.
Hiệu quả từ việc tổ chức dịch vụ hậu cần nghề cá tận ngư trường đánh bắt như vậy ai cũng thấy rõ. Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra: Hiệu quả như vậy nhưng tại sao chưa có thật nhiều tàu cá của ngư dân tham gia dịch vụ? Do dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu hay do ngư dân chưa quen với dịch vụ? Trả lời thật thấu đáo cho câu hỏi này mới mong nâng cao hiệu quả dịch vụ. Có một điều rất dễ thấy, trong mỗi chuyến ra khơi, ngư dân được (hoặc bị) ràng buộc bởi khá nhiều mối quan hệ. Đơn cử như khi chuẩn bị nhu yếu phẩm đi biển, ngư dân phải vay tiền của đầu nậu; do vậy, dẫu có mắc rẻ gì cũng phải mang sản phẩm về bán cho đầu nậu. Chỉ ví dụ ấy thôi đã cho thấy sự phức tạp của vấn đề.
Lâu nay, chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân để họ yên tâm ra khơi bám biển sản xuất. Hiệu quả đem lại là rất đáng mừng. Nhưng hiện nay, ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Do vậy, chúng ta cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá lại một cách thật khoa học mối quan hệ giữa ngư dân với người tổ chức dịch vụ hậu cần ngoài biển xa để có hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cả hai phía. Để các dịch vụ mang lại hiệu quả thực sự cần có sự đồng thuận và chia sẻ một cách sâu sắc giữa ngư dân và người tổ chức dịch vụ.
Ông Lương Quốc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông khẳng định, Công ty đang tiếp tục cố gắng tối đa trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ hậu cần nghề cá cho tàu của ngư dân Việt Nam tham gia đánh bắt, lưu trú dài ngày tại các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tàu cá của ngư dân hoạt động tại các khu vực này, khi có nhu cầu mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm hoặc gặp nạn, gặp sự cố đều có thể gọi ngay Công ty để được trợ giúp kịp thời.
Tổ chức tốt dịch vụ hậu cần ngay tại ngư trường sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho ngư dân bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa khai thác tốt tài nguyên vừa bảo vệ được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
PHONG NGUYÊN