Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác Hội Nhà báo Việt Nam năm 2013 vừa tổ chức tại Nha Trang đã đặt ra khá nhiều vấn đề về hoạt động báo chí, về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.
Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác Hội Nhà báo Việt Nam năm 2013 vừa tổ chức tại Nha Trang đã đặt ra khá nhiều vấn đề về hoạt động báo chí, về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.
Điều ghi nhận đầu tiên là báo chí đã kịp thời phản ánh diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến cũng như các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống; phân tích, đánh giá những ưu điểm, hạn chế, bất cập để đề xuất những giải pháp phù hợp. Đại đa số các tờ báo, nhà báo đã chú tâm đúng mức việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Tuy nhiên, trong hoạt động báo chí, một số nhà báo vẫn sa đà trong lối đưa tin giật gân, câu khách, chạy theo thị hiếu thiếu lành mạnh, “đạo” tin bài, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật.
Trong quá trình làm nghề, nhiều nhà báo hết sức cố gắng bênh vực, nâng đỡ cái đúng, cái thiện, cái đẹp; quyết liệt chống cái sai, cái ác, cái xấu. Chính vì vậy, nhiều nhà báo đã phải đối mặt với những nguy hiểm, thậm chí là sự xâm hại nghiêm trọng về phẩm giá, nhân mạng. Nhiều nhà báo bị cản trở tác nghiệp, thậm chí bị tịch thu phương tiện hành nghề, bị giam giữ, hành hung. Ai là người đứng ra bảo vệ nhà báo trong những trường hợp như vậy?
Bảo vệ quyền tác nghiệp, bảo vệ hội viên là nhiệm vụ quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam. Mỗi khi có sự việc xảy ra, Hội đã tiến hành kiểm tra, nắm bắt vụ việc, có công văn gửi đến lãnh đạo, công an các địa phương để yêu cầu làm rõ vấn đề, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi cố tình cản trở hoạt động của giới báo chí. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được giải thích, xử lý một cách thỏa đáng. Nói cách khác, nhà báo chưa được bảo vệ một cách hiệu quả. Và từ thực tế đó, có lẽ cần có những quy định một cách thật sự chặt chẽ của pháp luật, với những điều khoản thật cụ thể, thể hiện được tác nghiệp báo chí chính là thi hành công vụ; các hành vi ngăn cản hoạt động hợp pháp của nhà báo cũng chính là chống người thi hành công vụ, phải được xét xử theo đúng tội danh này.
Để có những tác phẩm có chất lượng, để được người đọc tôn trọng, hơn ai hết, các nhà báo đã phải nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội, phải dùng ngòi bút của mình xây đắp cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Song, để công bằng hơn, xã hội cũng phải có trách nhiệm đối với các nhà báo. Trách nhiệm ấy không gì khác ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi để nhà báo hoạt động và có động thái bảo vệ kịp thời, hữu hiệu mỗi khi nhà báo bị cái xấu, cái ác tấn công.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Trên thực tế, không ít nhà báo ngộ nhận và lạm dụng quyền lực báo chí, dẫn đến có những hành vi không đúng mực, thậm chí vi phạm pháp luật. Đây là điều hết sức nguy hiểm, bởi tác hại của nó đối với xã hội không lường được. Khi lòng không sáng, khi làm những việc sai trái, thiếu tính xây dựng, tiếp tay cho cái xấu, nhà báo đã tự chối bỏ trách nhiệm của mình đối với xã hội, nói hẹp hơn nữa là đối với nghề, đối với đồng nghiệp.
Có vậy, mới thấy, để thành tâm mà diện bích, “tiên trách kỷ”, quả là khó vô cùng!
PHONG NGUYÊN