“Tôi đã lái tàu hơn 10 năm, với hàng trăm chuyến ra khơi đánh bắt hải sản ở tận Hoàng Sa, Trường Sa... nhưng nhiều quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy và những vấn đề liên quan, tôi hầu như không biết gì”.
“Tôi đã lái tàu hơn 10 năm, với hàng trăm chuyến ra khơi đánh bắt hải sản ở tận Hoàng Sa, Trường Sa... nhưng nhiều quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy và những vấn đề liên quan, tôi hầu như không biết gì”. Đó là tâm sự của một ngư dân ở phường Vĩnh Thọ (TP. Nha Trang) khi tham gia lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cách đây không lâu.
Ngư dân này cho biết, dù lái tàu rất giỏi, nhưng khi gặp tình huống khẩn cấp như bão, gió to... muốn vào trú tại cảng nào đó ở nước ngoài, anh cũng như nhiều thuyền viên trên tàu không biết phải làm thế nào ngoài cầm áo trắng đứng trên tàu vẫy vẫy để xin phép, trong khi theo quy định phải sử dụng một loại cờ riêng biệt để treo lên. Khi tàu hỏng máy, ngoài điện đàm để báo, ngư dân phải treo cờ hiệu để tàu khác biết và tránh, trong khi trước đây các anh chỉ cử người ngồi trước mũi tàu gào to, la lớn cho tàu khác biết... Bây giờ, sau khi được học lớp đào tạo và cấp chứng chỉ nghề thuyền trưởng, máy trưởng, anh cũng như nhiều ngư dân khác hết sức vui mừng. Bởi, với kiến thức được học, các anh sẽ có điều kiện đi biển an toàn, thuận lợi hơn, sản lượng đánh bắt sẽ cao hơn, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế biển của tỉnh phát triển.
Khánh Hòa hiện có khoảng 1.000 chiếc tàu chuyên khai thác hải sản xa bờ, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do bận đưa phương tiện đi khai thác trên biển nên nhiều “tài xế” trên các tàu này chưa tham gia các lớp học để được cấp chứng chỉ nghề thuyền trưởng, máy trưởng. “Chính vì chưa qua trường lớp đào tạo bài bản nên dù nghề thì vô cùng thành thạo và kinh nghiệm, nhưng hầu hết ngư dân lái tàu cá “mù mờ về luật” và cả những quy định khác về hàng hải”, một chuyên gia trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) nhận xét.
Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án “Đào tạo và cấp chứng chỉ nghề thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên, thợ máy tàu cá tỉnh giai đoạn 2010 - 2015” với kinh phí khoảng 30 tỉ đồng. Mục tiêu của đề án là đào tạo nghề cho hơn 24.600 thuyền viên, đạt các chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy và thuyền viên; trong đó 100% số thuyền viên đang làm việc thường xuyên trên tàu cá có công suất từ 20CV trở lên được khuyến khích tham gia chương trình đào tạo này.
Thực hiện Đề án, đến nay, Chi cục KT-BVNLTS tỉnh đã tổ chức được 68 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Thông qua các lớp đào tạo, ngư dân được trang bị kiến thức về kỹ năng lái tàu, tìm hiểu ngư trường khai thác, cách khắc phục, sửa chữa tàu khi gặp sự cố; các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác trên biển như đăng ký, đăng kiểm, mua bảo hiểm cho thuyền viên, quy định hàng hải... Ngoài ra, ngư dân còn được hướng dẫn cách bảo quản sản phẩm sau khai thác...
Theo kế hoạch, năm 2013, Chi cục KT-BVNLTS tỉnh sẽ mở 23 lớp đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng. Với việc mở các lớp đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng đại trà, tỉnh đã và đang giúp ngư dân đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi hoạt động khai thác trên biển, nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận - đây cũng là cơ sở để ngư dân gắn bó với biển lâu dài.
Ngọc Khánh